Mới đây, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị đối thoại với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Tại hội nghị, các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đều đánh giá: Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh nói chung, trong đó có ngành hải quan đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Tuy nhiên, hậu quả của cơn bão số 3 vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của nhiều doanh nghiệp, trong đó có trên 30 doanh nghiệp xuất nhập trên địa bàn bị thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng. Các thiệt hại chủ yếu là về nguyên liệu, máy móc nhập khẩu bị hư hỏng; sản phẩm sản xuất theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu bị hư hại.
Để hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp được thuận lợi, đặc biệt là vượt qua ảnh hưởng của bão số 3, tại hội nghị, lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh đã trao đổi, giải đáp, tháo gỡ các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp liên quan đến việc giảm thuế do nguyên liệu đầu vào bị hư hỏng; bố trí mặt bằng kho, bến bãi; việc kết nối thông tin, xử lý hồ sơ trên hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia, cùng một số vấn đề liên quan đến các địa phương, sở, ngành như thiếu hụt lao động, giảm thuế thu nhập cá nhân, đấu nối điện, nạo vét luồng vào cảng Cái Lân.
Lãnh đạo Cục Hải quan Quảng Ninh trao đổi, chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại diễn ra ngày 29/10/2024. Ảnh: Quang Hùng |
Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, đơn vị đã chủ động phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) thiết lập kênh truyền riêng để đảm bảo việc thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu; thành lập nhóm hỗ trợ trực tuyến 3 cấp (Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, Chi cục Hải quan) để tiếp nhận và giải quyết nhanh sự cố/vướng mắc phát sinh tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hoạt động thông quan ổn định, không để ách tắc hàng hóa ngay sau bão.
Ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Văn Nhuận - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh - cho biết: “Trên tinh thần đối tác – hợp tác – đồng hành cùng phát triển, Cục Hải quan Quảng Ninh sẽ thực hiện các giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan đối với doanh nghiệp trong năm 2024; những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp, đặc biệt là những thiệt hại sau cơn bão số 3 sẽ được đề xuất những biện pháp hỗ trợ cụ thể”.
Không chỉ có gặp gỡ, đối thoại, thời gian qua, Cục Hải quan Quảng Ninh đã tổ chức triển khai Chương trình đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Chi cục (viết tắt là CDCI). Đây là chương trình nhằm đánh giá năng lực cạnh tranh, chất lượng quản lý điều hành cấp cơ sở cũng như hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp của các Chi cục thuộc Cục Hải quan tỉnh. Qua đó, tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các Chi cục trực thuộc trong hoạt động triển khai nhiệm vụ cũng như hoạt động hợp tác hải quan - doanh nghiệp.
Cục Hải quan Quảng Ninh cũng đã xây dựng và triển khai Đề án “Mô hình thực hiện thủ tục hải quan tập trung tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái” giúp thực hiện được 4 giảm: Giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm việc tiếp xúc của doanh nghiệp với cơ quan hải quan, giúp tinh giảm biên chế…
Bên cạnh đó, Cục Hải quan Quảng Ninh đã tích cực vào cuộc cùng toàn ngành triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.
Chính nhờ những nỗ lực này, theo đánh giá của ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, hàng năm, tỉnh Quảng Ninh tổ chức công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành (DDCI). Trong đó, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp của Cục Hải quan Quảng Ninh được cải thiện, góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh…