Thành phố hiện có 7 CCN đã có quyết định thành lập và quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích đất quy hoạch là 250ha. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các CCN theo dự án được phê duyệt là 794 tỷ đồng. Trong đó, 5 CCN đang hoạt động trên địa bàn thành phố, gồm CCN: Tàu thủy An Hồng, Vĩnh Niệm; Quán Trữ; An Lão; Tân Liên có các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khá ổn định. Năm 2020, doanh thu của doanh nghiệp trong các CCN này đạt 8.816,61 tỷ đồng; nộp ngân sách 259.977 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 355 triệu.
Một số doanh nghiệp thứ cấp trong các CCN sản xuất ổn định, đạt hiệu quả kinh tế cao |
Nhìn chung, các CCN trên địa bàn thành phố đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu về mặt bằng sản xuất cũng như di dời các cơ sở sản xuất vào CCN tại các địa phương. Khu vực CCN đang góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của thành phố, hiện đại hóa và đảm bảo xanh - sạch cho môi trưởng sản xuất công nghiệp nông thôn.
Theo bà Đặng Thị Phương Liên – Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng, thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành đã xây dựng và hoàn thiện dần chính sách phát triển CCN theo tinh thần rút ngắn thủ tục hành chính. Tuy nhiên, giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến CCN đang có độ “vênh nhau”, gây khó khăn cho việc thực hiện các thủ tục hình thành CCN.
Cụ thể, theo Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN, việc hình thành CCN không phải thực hiện thủ tục theo Luật Đầu tư. Tuy nhiên, năm 2020 khi Luật Đầu tư được ban hành đã không loại CCN ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật. Bên cạnh đó, nội dung quyết định thành lập CCN và nội dung chấp thuận đầu tư CCN là như nhau, thực hiện đồng thời 2 thủ tục này gây mất thời gian và khó khăn cho nhà đầu tư.
Để tháo gỡ, Hải Phòng đã gửi văn bản hỏi ý kiến các bộ, ngành và nhận được câu trả lời khác nhau. Trong đó, Bộ Công Thương đề nghị thực hiện theo Nghị định 68/2017/NĐ-CP và Nghị định 66/2020/NĐ-CP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp đề nghị thực hiện theo Luật Đầu tư và thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện kết hợp với thủ tục chấp thuận nhà đầu tư.
Theo đó, đại diện Sở Công Thương Hải Phòng đề nghị: Bộ Công Thương kiến nghị lên Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi quy định trong Luật Đầu tư nhằm đảm bảo thủ tục thành lập CCN thông thoáng hơn.
Cùng đó, theo Thông tư 28/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương, khi nhận được đơn đăng ký của nhà đầu tư, UBND các huyện có thông báo về việc tiếp nhận, thời gian lập hồ sơ thành lập CCN nhưng chưa có hướng dẫn là bao lâu. Trong trường hợp CCN nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm thì chưa biết đến bao giờ kết thúc lập báo cáo đầu tư CCN và bản thân Hải Phòng đã gặp phải trường hợp này. Để khắc phục, Sở Công Thương thành phố tham mưu cho hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng tại các địa phương, UBND thành phố cùng một lúc chấm điểm để lựa chọn nhà đầu tư. “Chi tiết này khá nhỏ nhưng khiến ngành Công Thương Hải Phòng gặp nhiều vướng mắc trong việc tham mưu cho UBND thành phố thành lập một số CCN mới. Do vậy, đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể hơn cho Hải Phòng cũng như các địa phương khác thuận lợi trong thực hiện các thủ tục thành lập, quản lý CCN”- lãnh đạo Sở Công Thương Hải Phòng nói.
Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có 84 dự án đầu tư trong các CCN, tổng số vốn đăng ký là 6.327,83 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy các CCN đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật đạt 74,8%. |