TP Hải Phòng: Cháy nhà dân khiến 3 người tử vong Hải Phòng: Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất quy mô cấp thành phố năm 2022 |
Theo kế hoạch, việc triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện được thực hiện theo Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng. Nghị quyết này quy định về nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Hải Phòng giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Hải Phòng sẽ lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để thực hiện đầu tư xây dựng 2 nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện tại khu xử lý Đình Vũ (quận Hải An) và tại xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo).
Dự kiến, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện số 1 tại khu xử lý Đình Vũ có diện tích sử dụng đất khoảng 9ha tại phường Đông Hải 2 (quận Hải An). Nhà máy này công suất xử lý (giai đoạn 1) là 1000 tấn/ ngày, công suất phát điện khoảng 40MW, trong đó, giai đoạn 1 có công suất 20MW, giai đoạn 2 nâng công suất thêm 20MW.
Mỗi ngày, TP.Hải Phòng phát sinh hơn 1.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt |
Nhà máy được đầu tư theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật đấu thầu (trong đó bài thầu có lồng ghép một số yêu cầu theo phương thức PPP). Dự án đầu tư nhà máy tại Đình Vũ có tổng mức đầu tư dự kiện 2.498 tỷ đồng (giai đoạn 1) từ 100% vốn của doanh nghiệp, thời gian hoạt động 20-30 năm. Theo kế hoạch của Uỷ ban nhân dân TP Hải Phòng, việc đầu tư này phải đảm bảo trong tháng 12/2025 sẽ hoàn thành xây dựng đưa vào vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác số 1 tại khu xử lý Đình Vũ.
Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện số 2 có công suất 1000 tấn/ngày, công suất phát điện khoảng 20MW, tổng mức đầu tư 2.498 tỷ đồng từ 100% vốn doanh nghiệp, thời gian hoạt động 20-30 năm. Diện tích sử dụng đất của nhà máy khoảng 10-20 ha tại xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) và cũng được đầu tư theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến trong năm 2027, nhà máy sẽ hoàn thành đưa vào vận hành
Cả 2 nhà máy này đều sử dụng công nghệ đốt rác phát điện, xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt, thu hồi năng lượng để phát điện. Tỷ lệ tro bay và vật liệu thay thế tại hệ thống xử lý khí thải không vượt quá 5% khối lượng rác xử lý, tỷ lệ tro xỉ không vượt quá 15% khối lượng rác xử lý. Các chất thải rắn sau xử lý biến thành chất thải thông thưởng sử dụng phối trộn thành phụ gia, vật liệu xây dựng.
Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Phòng sẽ là cơ quan đầu mối, chủ trì lập hồ sơ đề xuất triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng 2 nhà máy xử lý chất thải rắn này. Đơn vị này chịu trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường, đồng thời theo dõi, đôn đốc các sở ngành, địa phương và doanh nghiệp trúng thầu triển khai thực hiện đúng tiến độ.
Ban quản lý Khu kinh tế và Sở Xây dựng chủ trì tham mưu, hướng dẫn thủ tục về quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường theo quy định. Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định về công nghệ đầu tư sau khi chủ đầu tư lập hồ sơ dự án đầu tư.
Sở Công thương Hải Phòng chịu trách nhiệm tham mưu thực hiện bổ sung nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, hướng dẫn đơn vị trúng thầu điều chỉnh, bổ sung quy mô công suất phát điện của các nhà máy điện rác và thủ tục liên quan.