Hải Phòng: Chùa Hang đất thiêng ấm lòng nhân dân, du khách
Nơi đầu tiên Phật giáo du nhập vào nước ta qua đường biển
Chùa Hang, tọa lạc tại khu 1, phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng là ngôi chùa có lịch sử lâu đời, với lối kiến trúc mang nhiều nét độc đáo. Đây là một trong những điểm đến được đông đảo người dân địa phương, du khách trong và ngoài thành phố lựa chọn khi du xuân, vãn cảnh và chiêm bái cầu một năm bình an, thành công và hạnh phúc.
Đông đảo nhân dân và du khách trong và ngoài TP. Hải Phòng du xuân tại chùa Hang - nơi Phật giáo truyền bá sớm nhất vào nước ta qua đường biển |
Tương truyền, cách ngày nay khoảng hơn 2.000 năm, vào cuối thời Hùng Vương, có nhà sư tên Bần từ xứ Thiên Trúc (đất nước Ấn Độ ngày nay) theo đường biển đến vùng đất Đồ Sơn dựng chùa Hang và truyền bá đạo Phật. Đây là nơi Phật giáo truyền bá sớm nhất vào nước ta qua đường biển.
Sư Bần cho dựng chùa trong lòng một hang đá lớn nằm dưới chân núi hướng ra vùng biển Đồ Sơn. Vì thế, chùa được người dân địa phương gọi là chùa Hang (tên cổ của chùa là Cốc tự). Theo các câu chuyện truyền ngôn trong vùng, chùa Hang xưa kia có cấu trúc hình thang xuyên thẳng vào lòng núi với độ sâu chừng 25m.
Trải qua sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, chùa Hang cổ không còn. Chùa Hang hiện nay được phục dựng nằm cạnh tuyến đường phía trong từ trung tâm quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng xuống Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, trên địa bàn phường Hải Sơn. Chùa có 3 tầng, trong đó tầng 1 dành cho các công việc bếp núc. Tầng thứ 2 là tòa Tam Bảo thờ Phật Thích Ca, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thánh Anan và Thánh Ông. Tầng thứ 3 là Tây Phương điện thờ Phật A Di Đà.
Đông đảo nhân dân và du khách lựa chọn du xuân chùa Hang không chỉ tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa - nơi đầu tiên Phật giáo du nhập vào nước ta qua đường biển mà còn chụp lại những phong cảnh, Tết xưa cổ truyền của dân tộc xung quanh khuôn viên chùa |
Phía sau chùa Hang có hang đá tương truyền ngày xưa sư Bần sinh sống và truyền bá Phật giáo. Trong hang có ban thờ và bức tượng sư Bần bằng đá. Hang đá này là nét độc đáo của chùa Hang Đồ Sơn, được coi là “chùa trong chùa”.
Phía ngoài chùa Hang dựng tượng Phật bà Quan Âm từ bi, đứng nghiêm trên đá núi. Ngay bên phải bức tượng của Bồ Tát có đặt một tòa tháp thiêng 7 tầng tượng trưng cho 7 vị sư tổ đã tu thành chính quả tại chùa. Dọc theo mặt tiền chùa là các pho tượng La Hán với nhiều tư thế, biểu cảm sắc thái khác nhau.
“Bữa ăn bên cửa thiền” ấm tình
Đến với chùa Hang, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng dịp đầu xuân, nhân dân và du khách không chỉ du xuân, thăm quan, vãn cảnh, tìm hiểu về lịch sử lâu đời, lối kiến trúc mang nhiều nét độc đáo của ngôi chùa mà còn được thưởng thức “Bữa ăn bên cửa thiền” ấm tình.
Những bát bún chay miễn phí nơi cửa thiền ấm lòng du khách trong chuyến du xuân tại chùa Hang |
Quan sát của phóng viên Báo Công Thương vào trưa thứ 3, ngày 4/2 (tức ngày mồng 7 tháng Giêng năm Ất Tỵ), từng đoàn xe khách du lịch nhiều kích cỡ đỗ dọc tuyến đường khu 1 (quận Đồ Sơn) trong trật tự để vào dâng hương, vãn cảnh chùa Hang. Tiếp đó, nhiều đoàn lựa chọn ăn trưa miễn phí tại khu nhà ăn của chùa rồi tiếp tục cuộc hành trình.
Du khách Nguyễn Thị Phương, ở thành phố Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Đây là lần đầu tôi du xuân tại Hải Phòng, khi đến chùa Hang, tôi như được hòa vào không gian yên ả, trong lành, trút bỏ mọi vấn vương bụi trần, được tận mắt chiêm ngưỡng ngôi chùa tráng lệ, uy nghi “trên là núi, dưới là biển, trong hang có giếng nước trong”; cảnh vật xung quanh gần gũi với thiên nhiên mang thông điệp bảo vệ môi trường sống. Đoàn chúng tôi gần 50 người còn được thưởng thức bữa ăn chay bổ dưỡng miễn phí do nhà chùa và nhóm thiện nguyện chùa Hang, các nhà hảo tâm chuẩn bị chu đáo”.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chị Đặng Thị Minh Hạnh - phật tử phụ trách nấu “Bữa ăn bên cửa thiền” chùa Hang cho biết: Vào dịp đầu xuân từ mùng 1 đến rằm tháng Giêng hoặc các ngày lễ, chủ nhật hằng tuần tôi và các phật tử trong nhóm thiện nguyện chùa Hang tham gia nấu các bữa ăn miễn phí. Hôm thì luộc sắn, khoai, nấu xôi chè, cơm, bún, phở chay… trung bình mỗi ngày từ 300 - 500 suất phục vụ nhân dân và du khách đến chùa chiêm bái, du xuân đầu năm.
Nhóm phật tử chùa Hang chuẩn bị hàng tạ khoai/ngày để phục vụ nhân dân và du khách thưởng thức trong chuyến du xuân |
Theo Đại đức Thích Giác Hiệu, Đương gia chùa Hang, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các cấp lãnh đạo TP. Hải Phòng và địa phương, cùng sự đóng góp của các phật tử, nhà hảo tâm, chùa Hang được xây dựng, tôn tạo ngày càng bề thế, uy nghi, to đẹp hơn. Trước, trong mùa lễ hội đầu năm 2025, nhà chùa phối hợp chính quyền địa phương, Ban Bảo vệ dân phố, lực lượng công an phường đặc biệt chú trọng về công tác giữ gìn an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy, trông xe, vệ sinh môi trường được bảo đảm.
"Năm nay, do thời tiết thuận lợi, lượng du khách trong và ngoài thành phố đến vãn cảnh và chiêm bái chùa đông hơn, chính vì vậy nhà chùa bố trí lực lượng hướng dẫn, trông xe miễn phí cho du khách; bố trí khu nhà khách tiếp đón và có “Bữa ăn bên cửa thiền” miễn phí được nấu vào trưa từ ngày mùng 3 Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến nay. Với mong muốn bà con xa gần đến chùa Hang du xuân an toàn, hoan hỉ, may mắn, bình an cả năm. Nhà chùa sẽ duy trì “Bữa ăn bên cửa thiền” phục vụ du khách hết xuân và sẽ duy trì mô hình những năm tiếp theo" - Đại đức Thích Giác Hiệu cho biết thêm.
Với lịch sử lâu đời, lối kiến trúc mang nhiều nét độc đáo và tầm ảnh hưởng, năm 2010, TP. Hải Phòng xếp hạng chùa Hang là Di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố. Lễ hội chùa Hang được tổ chức vào dịp đầu xuân hằng năm với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân dân an lạc, đời sống yên lành, hạnh phúc. |