Hải Dương: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản Hải Dương: Xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản với các doanh nghiệp nước ngoài |
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hải Dương, 6 tháng đầu năm 2024, dự kiến kinh tế của Hải Dương tiếp tục tăng trưởng trên 9%. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 12,3% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 51.412 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ; giá trị hàng hoá xuất khẩu ước đạt 4.914 triệu USD, tăng 11,0% so với cùng kỳ; giá trị hàng hoá nhập khẩu ước đạt 4.054 triệu USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ.
Đạt được kết quả trên, theo Sở Công Thương Hải Dương, địa phương đã rất quyết liệt triển khai các hoạt động trong phát triển công nghiệp, thương mại.
Cụ thể, thời gian qua Sở Công Thương Hải Dương đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc sản xuất, lưu thông hàng hóa như: Tháo gỡ khó khăn, cấp phép mở rộng sản xuất cho công ty ô tô Ford (giúp công ty tăng thêm khoảng 10.000 xe); giải quyết các tồn tại của nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương (giúp nhà máy đạt 5,9 tỷ Kwh, tăng 38%); phối hợp với các sở, ngành giải quyết vướng mắc đối với Dự án đường dây 500kV; giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp FDI về việc tiết giảm điện; tổ chức, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều và nông sản, hàng hóa,… Dù vậy, do bối cảnh chung chưa thực sự ổn định, ngành Công Thương Hải Dương xác định sẽ gặp không ít khó khăn trong thời gian tới.
6 tháng, kinh tế của Hải Dương dự kiến tăng trưởng trên 9%. Ảnh H.D |
Đầu tiên, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thường có nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào chủ yếu là nhập khẩu.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước của tỉnh trên 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó phần lớn là doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, việc chuyển đổi công nghệ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn; công tác chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp của tỉnh vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Hoạt động sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng một bộ phận lớn các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường ngoài nước do kinh tế thế giới suy giảm, phục hồi chậm, giảm các đơn hàng... Sản lượng sản xuất công nghiệp của một số doanh nghiệp còn ở mức thấp, chưa phát huy được hết công suất.
Bên cạnh đó, do điều kiện và công cụ pháp luật để quản lý còn thiếu nên việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh còn bất cập, việc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là sản xuất kinh doanh có điều kiện do chưa có công cụ pháp lý để giải quyết hiệu quả.
Một số quy định trong việc quản lý điện, cụm công nghiệp, kinh doanh than, xăng dầu, hạ tầng thương mại chưa phù hợp với yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước trong thực tiễn hiện nay, gây khó khăn trong việc quản lý, phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại.
Từ những hạn chế nêu trên, Sở Công Thương Hải Dương đề xuất, Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ báo cáo Quốc hội sớm ban hành Luật về quản lý hạ tầng thương mại; tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu theo hướng đề nghị xem xét, sửa đổi quy định để đại lý được mua của nhiều nguồn, nhằm tránh đứt gãy nguồn cung, tăng tính cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh và đảm bảo quyền lợi cho đại lý và người tiêu dùng…
Về công nghiệp, Sở Công Thương Hải Dương, đề nghị, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ báo cáo, trình Quốc hội sớm ban hành Luật quản lý phát triển công nghiệp, để đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, là cơ sở động lực cho phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực ưu tiên phát triển (cơ khí, chế tạo, hóa chất, điện, công nghiệp điện tử, dệt may, da giày, khai thác khoáng sản, chế biến nông sản thực phẩm…). Trong đó giao trách nhiệm Sở Công Thương các tỉnh quản lý nhà nước đối với tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Bộ Công Thương rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư phát triển cụm công nghiệp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển cụm công nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp.
Có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền như: Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan có những chính sách hỗ trợ đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, các thủ tục liên quan đến thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp.