Còn nhiều khó khăn trong tiêu thụ nông sản |
Liên kết lỏng lẻo
Trong báo cáo về hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ nông sản, Giam đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương Nguyễn Trọng Tuệ thừa nhận, những hạn chế, khó khăn trong xúc tiến thương mại nông sản thời gian qua do hầu hết các sản phẩm nông nghiệp đều chưa xây dựng được nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý. Chất lượng sản phẩm không đồng đều, sản lượng thu hoạch còn bị động theo thời vụ. Việc liên kết trong chuỗi giá trị, nhất là liên kết giữa người sản xuất và DN tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng còn ít.
Thực tế, Hải Dương là một trong những địa phương cung cấp khối lượng lớn nông sản cho thị trường Hà Nội, nhưng liên kết giữa nông dân với các DN của Hà Nội vẫn thiếu chặt chẽ. Theo ông Lê Đình Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hải Dương - khó khăn của tỉnh là chưa nắm được các đầu mối DN liên kết trong khuôn khổ chương trình hợp tác đưa nông sản an toàn về Hà Nội. Do đó, việc cam kết tiêu thụ nông sản chưa hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Viết Khang - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Phạm Kha (Thanh Miện, Hải Dương) -cho hay: “Khâu yếu nhất chính là đầu ra, hiện tại, HTX có 100ha chuyên canh rau màu, trong đó một số diện tích được áp dụng quy trình VietGAP từ năm 2011. Sản lượng rau làm ra lớn nhưng không biết có tiêu thụ được không?”.
Chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến thương mại tiêu thụ vải quả và nông sản Hải Dương năm 2016 tổ chức mới đây, nhiều DN phản ánh, do người dân trồng manh mún về diện tích và lại nhiều chủng loại giống, cách chăm sóc, thời vụ khác nhau, vì vậy, sau khi thu mua, tỷ lệ hàng bị loại chiếm lượng lớn, có khi lên tới 50%. Chính những điều đó khiến không ít DN sau một lần đã “quay lưng” lại với nông sản của tỉnh nhà.
Đẩy mạnh kết nối thị trường
Là DN đầu tiên giúp quả vải Hải Dương đến với thị trường Mỹ, ông Mai Xuân Thìn - Giám đốc Công ty TNHH Rồng Đỏ - chia sẻ: Con đường để nông sản Hải Dương đến với thị trường khó tính như Mỹ và nhiều nước châu Âu không trải hoa hồng, nhưng nếu có sự đầu tư thích đáng cho các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại sẽ giúp nông sản tỉnh nhà tìm được chỗ đứng trên thị trường, giúp DN nắm bắt thế mạnh của nông sản để có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Công ty TNHH MTV Hưng Việt - một trong những DN hoạt động lâu năm trong lĩnh vực thu mua nông sản - cho biết, những năm gầy đây, DN này cũng đã xuất khẩu (XK) nông sản sang một số thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Pháp và Ả rập Thống nhất. Theo kế hoạch, trong năm 2016, công ty sẽ XK hơn 10.000 tấn hàng với các mặt hàng chính: cà rốt, bắp cải, súp lơ sang các thị trường trên và có thể tăng sản lượng XK, nếu thu mua được nông sản đảm bảo tiêu chuẩn...
Để khắc phục những khó khăn trên đường XK cho nông sản quê nhà, theo ông Nguyễn Trọng Tuệ, Sở Công Thương Hải Dương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng hệ thống sản xuất, phân phối sản phẩm chuyên nghiệp và hiệu quả. Theo đó, Sở sẽ chủ động định hướng sản xuất; củng cố và duy trì mối quan hệ hợp tác gắn bó lâu dài với các đối tác, tạo tính ổn định, bền vững lâu dài trong việc chế biến, tiêu thụ nông sản...
Với mong muốn đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ nông sản, Sở Công Thương Hải Dương đề nghị Bộ Công Thương xem xét đưa Chương trình Xúc tiến thiêu thụ vải thiều vào Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia nhằm hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ vải thiều hiệu quả hơn.