Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương là tỉnh có thế mạnh trong sản xuất nông sản đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, với các loại cây trồng chủ lực như: vải, ổi, na, bưởi, cà rốt, hành, tỏi, dưa, củ đậu, rau ăn lá các loại… Trong đó, cà rốt vụ đông xuân 2018 - 2019 của tỉnh đã bắt đầu thu hoạch rộ, sản lượng bình quân trên 50.000 tấn.
Bà con đang thu hoạch cà rốt |
Những năm qua, nông sản các tỉnh được tiêu thụ khá tốt do có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các cơ quan chuyên môn các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương, địa phương.
Trên cơ sở đó, nhằm tiếp tục tạo điều kiên thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản của nông dân nói chung và cà rốt nói riêng, Sở Công Thương Hải Dương đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại và đơn vị có liên quan thuộc Bộ quan tâm hỗ trợ, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, xúc tiến tiêu thụ cà rốt và nông sản của tỉnh Hải Dương; chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối quan tâm giới thiệu, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ cà rốt cho nông dân tỉnh Hải Dương.
Đồng thời, Sở cũng đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền, giới thiệu thông tin về các đầu mối tiêu thụ cà rốt của tỉnh Hải Dương đến các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản; các đơn vị chủ động kết nối, tiêu thụ cà rốt niên vụ 2018 - 2019 hoặc triển khai hợp tác đầu tư, chế biến tiêu thụ nông sản trong những năm tiếp theo.
Ngoài ra, đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối trên phạm vi toàn quốc trên cơ sở kinh nghiệm trong kinh doanh nông sản, khách hàng và thị trường cần chủ động liên hệ với các đầu mối tiêu thụ cà rốt của tỉnh Hải Dương để mua bán, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cà rốt cho nông dân tỉnh Hải Dương, đảm bảo liên kết thu mua, chế biến theo tiêu chuẩn của đơn vị, không ép giá người nông dân và thúc đẩy liên kết bền vững, lâu dài, hai bên cùng có lợi.