Chợ Trường Lưu thuộc xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh |
Mỗi địa phương một cách làm
Chợ theo tiêu chí mới ở xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai trị giá hơn 9 tỷ đồng trên diện tích 3.000m2, trong đó khu vực nhà lồng chợ rộng 2.000m2 với 90 sạp hàng, hai bên nhà lồng chợ là 39 ki-ốt cùng với hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh, cứu hỏa… phòng quản lý đầy đủ của một ngôi chợ lớn. Chợ nằm ngay giữa khu tái định cư với 4 mặt đường giao thông bao quanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương kinh doanh.
Từ khi có chợ mới bà con có chỗ buôn bán ổn định, chỗ ngồi rộng rãi, thay vì trước kia ngồi lấn chiếm lòng đường vỉa hè làm nơi buôn bán họp chợ, vừa mất mỹ quan đường phố, vừa gây mất an toàn giao thông.
UBND huyện Long Thành xác định chợ mới xã Long An chính là ngôi chợ kiểu mẫu, để tiến tới xây dựng chợ cho các xã còn lại trên địa bàn huyện theo chuẩn NTM. Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ nông thôn giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh Đồng Nai là trên 282 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2020, Đồng Nai sẽ đầu tư, nâng cấp 90 chợ nông thôn.
Đối với Tây Ninh, những năm qua, UBND tỉnh, các ngành chức năng và các địa phương đã quan tâm dành quỹ đất để đầu tư phát triển hạ tầng chợ nông thôn. Sau gần 5 năm thực hiện, đến nay Tây Ninh đã có 30/80 xã đạt tiêu chí chợ NTM. Những chợ mới hình thành đều được quy hoạch khoa học, thuận tiện cho việc giao lưu trao đổi hàng hóa, kinh doanh buôn bán, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đặc biệt là các sản phẩm nông sản do nông dân sản xuất ra đã được tiêu thụ thuận lợi, hạn chế được tình trạng tư thương ép giá. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển một số lao động nông nghiệp thuần túy sang bán nông, bán thương nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sách địa phương. Theo kế hoạch, tỉnh Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 40/80 xã có chợ đạt chuẩn chợ NTM.
Thay đổi diện mạo nông thôn
Miền Đông Nam bộ nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, có hệ thống đường thủy khá phát triển, có điều kiện thuận lợi để liên kết kinh tế, giao lưu hàng hóa với các tỉnh trong vùng và cả nước.
Sau gần 5 năm xây dựng NTM, đến năm 2015, hệ thống chợ NTM trên địa bàn miền Đông Nam bộ như lăng kính phản ánh sự chuyển biến mạnh mẽ vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Chợ NTM miền Đông Nam bộ đã thực sự đáp ứng được mặt văn hóa thẩm mỹ về kết cấu hạ tầng, văn minh về không gian trao đổi hàng hóa, hiện đại về tổ chức quản lý. Điều này đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền Đông Nam bộ trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế.
Với sự quyết tâm của đảng bộ, chính quyền địa phương miền Đông Nam bộ, chợ NTM nơi đây từng bước đạt chuẩn hoàn toàn theo tiêu chí xây dựng NTM, xứng tầm với vùng trọng điểm kinh tế phía Nam của cả nước.