Hà Tĩnh: Không ngại đổi tên khi sáp nhập xã
Đổi tên gọi nhưng không thay đổi giá trị văn hóa, lịch sử
Khi chủ đề sáp nhập ở các địa phương đang trở thành “hot search” thời gian gần đây, nhiều người bày tỏ những băn khoăn, tâm tư về tên gọi của làng, xã hay truyền thống văn hóa sau khi thay đổi tên gọi.
Nhiều người sợ sự thay đổi sau khi sáp nhập sẽ không lưu giữ trọn vẹn nét văn hóa truyền thống vốn có lâu đời, bản sắc của từng địa phương. Những băn khoăn đó cũng xuất phát từ tình yêu quê hương, yêu bản sắc, yêu những gì đã gắn bó từ thuở cha ông để lại đến bao đời nay.
Tuy nhiên dù tên gọi có thế nào thì truyền thống, văn hóa, bản sắc đặc trưng của từng vùng miền vẫn còn được sử sách lưu truyền. Và dù tên gọi có thế nào thì mỗi chúng ta hàng ngày cũng đều gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp đó, cũng là hướng đến cái chung, cái toàn diện để cùng phát triển.
Làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam có 3 di sản được UNESCO vinh danh. Ảnh: Trọng Tùng |
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, địa phương có làng Trường Lưu là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam có 3 di sản được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu của chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm: Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.
Về việc sáp nhập, tên nhiều làng, xã sẽ thay đổi để phù hợp với đơn vị hành chính mới. Thực tế xét về ý nghĩa nó có sự kế thừa và tồn tại trong lịch sử, nguồn gốc, truyền thống cho đến hiện tại nên dù tên gọi có như thế nào thì sử sách vẫn gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ mai sau.
“Khi thực hiện sáp nhập, tên của nhiều địa phương sẽ có sự thay đổi. Tuy nhiên nhìn từ góc độ có chiều sâu chiến lược lâu dài, tích cực thì đây là một bước đi cần thiết để hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững của đơn vị hành chính mới”, Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường bày tỏ.
Không đặt nặng vấn đề thay đổi tên gọi của làng, xã sau khi sáp nhập. Ảnh: Trọng Tùng |
Thực chất, tên địa phương dù có thay đổi thì vẫn là những ngôi nhà ấy, vẫn những con người ấy, vẫn những tình cảm ấy nên dù có tên gọi mới thế nào thì giá trị cốt lõi cũng không hề thay đổi.
Để tạo sự đồng thuận đạt tính nhân văn trong quá trình sáp nhập nhưng vẫn cùng nhau gìn giữ và ghi nhớ những giá trị văn hóa tốt đẹp truyền thống mà không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng và nhà nước - đó chính là ý Đảng, lòng dân.
Mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội mới
Thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã quán triệt, triển khai thực hiện rất nghiêm túc, kịp thời.
Sau sắp xếp tổ chức, bộ máy các ban, phòng cấp huyện, hiện nay đã và đang xây dựng phương án để chủ động đề xuất sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.
Ông Nguyễn Văn Thành - Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên. Ảnh: Phan Trâm |
Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Nguyễn Văn Thành chia sẻ, việc sáp nhập đơn vị hành chính không ảnh hưởng gì đến các địa danh, di tích, công trình lịch sử, văn hóa. Cái quan trọng là sau sắp xếp, sáp nhập, các đơn vị hành chính mới sẽ được giao quản lý và có trách nhiệm bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của các địa danh, di tích, công trình, nét văn hóa đó một cách hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Tên làng, tên xã theo thời gian sẽ quen dần, cái quan trọng là việc sáp nhập từ những đơn vị cấp xã nhỏ thành đơn vị cấp xã quy mô lớn sẽ mở ra không gian mới, rộng lớn hơn, nhiều dư địa để phát triển tốt hơn.
“Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy lần này là chủ trương lớn, là một cuộc cách mạng về tổ chức, bộ máy, được triển khai đồng bộ, khẩn trương. Các địa phương như ở chúng tôi và qua theo dõi nhận thấy đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ chủ trương này” – ông Thành bày bỏ.
Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên tin tưởng rằng, kết quả của cuộc cách mạng này sẽ làm cho bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh hơn, mở ra không gian, dư địa và động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời có thêm nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển và chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống của nhân dân.
Việc sáp nhập các xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, khi sáp nhập nhiều xã thành một xã thì không tránh khỏi những băn khoăn của nhiều người, đặc biệt có thể tên xã - niềm tự hào bấy lâu nay sẽ có sự thay đổi, sẽ không còn được nhắc đến nhiều nữa.
Ông Trần Hữu Đức - Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Đồng quan điểm với Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên, ông Trần Hữu Đức - Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2024-2029) chia sẻ, tuy còn nhiều băn khoăn, nhưng chắc chắn ai cũng đồng tình và sợ nhất hiện nay là nghèo nàn, lạc hậu chứ không sợ thay đổi tên xã, huyện hay tỉnh.
“Quan trọng là bộ máy quản lý mới phải tinh gọn và trách nhiệm hơn, tránh lãng phí và đùn đẩy nhằm đưa đất nước phát triển phồn vinh, thịnh vượng. Mục đích của đợt sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy hành chính là chuẩn bị cho sự phát triển của đất nước trong kỉ nguyên mới nhằm mở rộng không gian, tạo động lực phát triển.
Cá nhân tôi cũng như nhiều người dân rất vui và cảm thấy nhiều động lực hơn. Bác Hồ dạy: "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Mặc dù còn nhiều khó khăn và nhiều việc phải làm nhưng với sự đồng tình cao của nhân dân cả nước tôi tin tưởng và kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn”, ông Đức thẳng thắn.
Theo Nghị quyết 1283/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025, Hà Tĩnh sẽ tiến hành sắp xếp ở 4 đơn vị hành chính cấp huyện và 23 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, Hà Tĩnh giảm 1 huyện và 7 xã/phường. Như vậy, kể từ ngày 1/1/2025, tỉnh Hà Tĩnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 9 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố; 209 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 170 xã, 25 phường và 14 thị trấn). |