Hàng Việt đã được bày bán nhiều tại siêu thị |
Nỗ lực đưa hàng Việt về nông thôn
Theo Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh, trong gần 8 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 120 phiên chợ, hội chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn với 14.500 gian hàng các loại, thu hút hàng trăm doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất tham gia. 100% sản phẩm tham gia phiên chợ, hội chợ được sản xuất trong nước.
Triển khai trên địa bàn một địa phương có mức sống thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ tỉnh đến ngành chức năng, chính quyền địa phương. Việc đặt điểm bán hàng ở đâu, cấp điện như thế nào, làm sao để đảm bảo an ninh trật tự cho phiên chợ luôn được lãnh đạo địa phương coi trọng. DN cũng được khuyến cáo mang tới các chuyến hàng, phiên chợ hàng hóa thiết yếu và hàng tiêu dùng giá rẻ, phù hợp với mức sống, dễ sử dụng. Nhờ đó, mỗi chuyến hàng khi về các vùng nông thôn đều được bà con rất ưa chuộng, chờ đón.
Theo đại diện Siêu thị Co.opMart Hà Tĩnh - một đơn vị đã có nhiều năm gắn bó với hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn là hoạt động luôn được Co.opMart Hà Tĩnh chú trọng mặc dù hiệu quả kinh tế thấp. Tuy vậy, bằng sự giúp đỡ nhiệt tình và tâm huyết của lãnh đạo địa phương, với quan điểm giúp bà con vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hạn chế đến mức thấp nhất việc mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, đồng thời góp sức quảng bá hàng Việt chính hãng đến với bà con, siêu thị vẫn luôn tích cực thực hiện hoạt động này từ nhiều năm qua.
Nhờ sự nỗ lực của cả địa phương và DN, người tiêu dùng Hà Tĩnh ngày càng quan tâm và ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt. Thị phần hàng Việt tại hệ thống phân phối khu vực nông thôn từ chỗ chưa đáng kể, đến nay đã chiếm tỷ lệ khá cao. Các mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm, quần áo, dụng cụ sinh hoạt gia đình… thường được bố trí ở những vị trí gian hàng thuận lợi trong hệ thống phân phối để bà con dễ dàng lựa chọn.
Cần nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh sản phẩm
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng nhìn chung, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn ở Hà Tĩnh vẫn chưa thực sự bền vững. Nguyên nhân bởi dù được người tiêu dùng ưa thích nhưng các chuyến hàng này chỉ tổ chức một năm vài lần, hết phiên chợ là hết hàng. DN chưa mặn mà với việc xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm cũng như hệ thống bán lẻ tại các vùng nông thôn do thị trường nông thôn phân tán, sức mua thấp, trong khi đó, xây dựng mạng lưới phân phối lại rất tốn kém, chi phí vận chuyển cao… nên hệ thống phân phối tại đây còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng Việt. Tại các chợ địa phương vẫn còn các sản phẩm ngoại nhập, chủ yếu là hàng hóa Trung Quốc, Thái Lan với giá rẻ, mẫu mã đã dạng, cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam.
Do đó, để hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh tốt hơn thị trường về lâu dài, Sở Công Thương Hà Tĩnh kiến nghị, cần có sự hỗ trợ dài hơi, tích cực để DN thiết lập kênh phân phối sản phẩm ổn định tại các địa phương, mở rộng mạng lưới bán lẻ. Cùng với đó, DN cần tăng cường đầu tư, cải tiến công nghệ, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; ưu tiên sản xuất những mặt hàng phù hợp với người dân nông thôn, tạo thói quen dùng hàng Việt trong đời sống hàng ngày.
Về phía địa phương, trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phối hợp với các DN sản xuất trong tỉnh, Hiệp hội Du lịch quảng bá, tuyên truyền ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam tại các điểm du lịch, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng... Đồng thời, tiếp tục tổ chức tốt các chuyến hàng Việt về các khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới để tăng hiệu quả quảng bá về CVĐ. |