Bắt giữ hàng tấn nguyên liệu chế biến trà sữa không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nội Hà Nội: Xử phạt 90 triệu đồng 4 trang thông tin điện tử tổng hợp |
GRDP 6 tháng năm 2021 ước tăng 5,91%
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến giao ban thường kỳ quý II và 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra chiều ngày 24/6, ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội - cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, thành phố (TP) tiếp tục bám sát, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép". Sản xuất, kinh doanh có tín hiệu khởi sắc rõ nét, tuy nhiên tăng trưởng chưa bứt phá. Hầu hết các chỉ tiêu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt có một số chỉ tiêu tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2020 và 2019 - năm chưa có dịch Covid-19, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp; kim ngạch nhập khẩu; giá trị gia tăng nông nghiệp; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng thấp hơn 2 năm 2019, 2020 nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn kịch bản cơ sở đưa ra đầu năm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị |
Theo đó, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 5,91% - tuy cao hơn cùng kỳ năm 2020 (là 2,92%) nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (7,12%). Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,7% - cao hơn cùng kỳ năm 2020 (tăng 3,3%) và cùng kỳ năm 2019 (tăng 7,29%). Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 7,16 tỷ USD, tăng 4,5% - cao hơn cùng kỳ năm 2020 (giảm 5,3%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân 6 tháng ước tăng 1,02 - 1,07% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,68%; cùng kỳ năm 2019 tăng 4,07%).
Tổng thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 124.854 tỷ đồng, đạt 53% dự toán Trung ương giao (đạt 49,7% dự toán TP giao), bằng 107,1% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước đạt 31.619 tỷ đồng, đạt 29,1% dự toán và bằng 99,2% so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm thành lập là 13.125 đơn vị, tăng 4% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 74% - cao hơn mức tăng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 15%) và số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 33%). Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 694,26 triệu USD với 171 dự án mới và 78 dự án bổ sung vốn đầu tư; Thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt 7.105 tỷ đồng (gồm 10 dự án mới và 38 dự án tăng vốn).
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá TP vẫn đang ở mức nguy cơ cao, tuyệt đối không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Các cấp, ngành vẫn phải kiên định các giải pháp quyết liệt phòng dịch trong mọi tình huống nhưng cần tập trung tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Đỗ Anh Tuấn, những tháng cuối năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp; giá cả một số mặt hàng đầu vào cho sản xuất có xu hướng tăng sẽ là những lực cản cho phục hồi tăng trưởng kinh tế của Thủ đô. Vì thế, để hoàn thành nhiệm vụ, TP tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả.
TP tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh; đơn giản hóa, cắt giảm triệt để thời gian phê duyệt các thủ tục nhằm giảm thời giờ, chi phí cho doanh nghiệp, nhất là các thủ tục hành chính liên thông, rút gọn đầu mối, rút ngắn thời gian tiếp nhận, xử lý và trả hồ sơ; bảo đảm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu nhanh hơn….
Tăng tốc phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm
Theo ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội cho thấy, TP còn nhiều chỉ tiêu thấp, chưa đạt được kỳ vọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có ngành du lịch, văn hóa...; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và bình quân chung của cả nước; công tác giải phóng mặt bằng tại các công trình còn chậm.
6 tháng cuối năm là thời gian để TP tập trung nỗ lực thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu của cả năm 2021 dù rất khó khăn nhưng không thể không đạt được.
Do đó, ông Lê Hồng Sơn yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn cần tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần hiệp đồng trách nhiệm, ý chí, bản lĩnh vững vàng trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19 trên địa bàn TP; tập trung nỗ lực cố gắng hơn nữa để quản lý, điều hành, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, coi trọng công tác phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu; linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa các giải pháp thúc đẩy kinh tế TP tăng trưởng đạt được kỳ vọng.
Để tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 (trên 7,5%), UBND TP yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đánh giá, phân tích kỹ từng chỉ tiêu chưa đạt được của đơn vị trong 6 tháng qua để xác định rõ lộ trình, kế hoạch, giải pháp thực hiện hiệu quả trong 6 tháng còn lại; chú trọng phát triển các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, tăng trưởng tốt như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (quý I tăng 7,97%; quý II tăng 8,15%); sản xuất đồ uống, hóa chất và sản phẩm hóa chất, xe có động cơ, sản xuất trang phục, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, bưu chính, viễn thông....
Tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư phát triển, phấn đấu năm 2021 giải ngân đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn, đến hết quý III đạt 60% kế hoạch vốn được giao. Đẩy nhanh tiến độ rà soát, lập kế hoạch giải quyết dứt điểm công tác quyết toán đối với các dự án tồn đọng từ năm trước, không để nợ đọng kéo dài. Triển khai hiệu quả việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Xem xét thực hiện giãn, hoãn thời gian nộp thuế của các hộ kinh doanh và kết nối hỗ trợ hộ kinh doanh với các tổ chức tín dụng. Kịp thời thực hiện gói chính sách ưu đãi về gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất năm 2021 theo Nghị định số 52 của Chính phủ. Đơn giản các thủ tục thông quan, hỗ trợ các hoạt động logistics để thúc đẩy xuất khẩu. Đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ nông thủy sản của các địa phương tại Hà Nội và quảng bá các sản phẩm của TP tới các tỉnh, TP phù hợp diễn biến của dịch Covid-19. Đảm bảo đủ các điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp trong năm 2021.
Bên cạnh đó, xây dựng sẵn sàng các kịch bản thúc đẩy tăng trưởng du lịch TP ứng với từng cấp độ, diễn biến dịch Covid-19; tập trung khai thác, đề xuất xúc tiến quảng bá du lịch các ngành, lĩnh vực, sản phẩm có nhiều tiềm năng, lợi thế....
Ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội: Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cần tham mưu cho TP tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, tập trung tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp gặp phải do đại dịch Covid-19, từ đó tham mưu TP báo cáo Chính phủ giải pháp tháo gỡ khó khăn; tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư công. |