Thứ tư 14/05/2025 05:51

Hà Nội: Tăng cường công tác phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp trên địa bàn

Sở Công Thương Hà Nội đã biên soạn và phát hành Sổ tay phòng vệ thương mại tới các đơn vị nhằm tăng cường công tác phòng vệ thương mại trên địa bàn thành phố.

Xử lý nhiều các vụ việc phòng vệ thương mại

Phòng vệ thương mại(PVTM) gồm 3 biện pháp cơ bản: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong đó, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu (như bán phá giá hoặc được trợ cấp). Biện pháp tự vệ là công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa trong nước nhằm hạn chế những tác động tiêu cực gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến.

Triển khai thực hiện Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 4432/UBND-KT ngày 11/9/2020 giao nhiệm vụ cho các sở, ngành về tăng cường quản lý nhà nước trong công tác PVTM; văn bản số 4076/UBND-KT ngày 18/11/2021 về thực hiện Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 02/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, UBND thành phố đã giao Sở Công Thương Hà Nội biên soạn và phát hành Sổ tay phòng vệ thương mại gửi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các hiệp hội ngành nghề, các trường đại học, cơ quan quản lý nhà nước liên quan trên địa bàn.

Ống thép của Việt Nam cũng đã bị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp

Trong quá trình 5 năm thực hiện Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, thành phố đã phối hợp với Bộ Công Thương xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại có liên quan đến sản phẩm, doanh nghiệp, như: vụ việc Ấn Độ điều tra chống trợ cấp thép không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam năm 2018; vụ việc Ốt-xtrây-lia điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với ống thép chính xác của Việt Nam năm 2020; vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm lốp xe ô tô của Việt Nam năm 2020; vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mật ong của Việt Nam năm 2021; vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tủ gỗ, pin năng lượng mặt trời của Việt Nam năm 2022.

Thành phố luôn chủ động, tích cực ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh: tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, tập huấn chuyên đề hỗ trợ doanh nghiệp, giao ban tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Tổ chức các hội nghị “Đối thoại giữa UBND thành phố và doanh nghiệp FDI” để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; thành lập “Tổ công tác của thành phố Hà Nội tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19”; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.

Hiệu quả từ công cụ pháp lý

Năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 nên thành phố đã tập trung đổi mới công tác xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động truyền thông kết hợp ứng dụng trên nền tảng số, các kênh thương mại điện tử; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối tại các thị trường lớn của thế giới.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, xuất khẩu theo nhiều cách khác nhau, như: tổ chức chương trình tiếp cận, đưa hàng Việt Nam trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài; tổ chức cung cấp các thông tin chung về kinh tế - xã hội, cơ chế, chính sách, thủ tục pháp lý, đối tác; hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc khảo sát thực địa, doanh nghiệp; chủ động liên hệ và hỗ trợ các doanh nghiệp FDI triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư.

Có thể thấy, sự ra đời của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan, doanh nghiệp, trong đó có thành phố Hà Nội tiến hành trình tự, thủ tục, thời hạn, nội dung điều tra vụ việc phòng vệ thương mại; cách xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; áp dụng, rà soát biện pháp phòng vệ thương mại; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình điều tra; xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng thời, công tác phòng vệ thương mại đã tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trên thị trường trong nước cũng như thế giới; trang bị cho cơ quan quản lý nhà nước kiến thức cơ bản cũng như chuyên sâu về quản lý có hiệu quả ngành sản xuất - kinh doanh trong nước.

Về phía doanh nghiệp, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP là công cụ pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam thông qua cơ quan chức năng có thể khởi kiện các nhà sản xuất - kinh doanh hay chính phủ nước ngoài khi hàng hóa và hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình bị thiệt hại hoặc có nguy cơ bị thiệt hại do hàng hóa nhập khẩu bán phá giá, được trợ cấp hay sử dụng biện pháp tự vệ gây ra.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, công tác phòng vệ thương mại đã duy trì và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố ở mức khá, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô theo hướng nhanh và bền vững, gắn với hội nhập khu vực và quốc tế.

Lê Minh
Bài viết cùng chủ đề: Chống lẩn tránh phòng vệ thương mại

Tin cùng chuyên mục

TRỰC TIẾP: Khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2025

Ý tưởng xây dựng khu công nghiệp kiểu mẫu Việt - Hàn tại Hà Nội

Điện Biên triển khai “bốn tại chỗ” ứng phó thiên tai

Bảo hiểm xã hội Hưng Yên: Đẩy mạnh cải cách TTHC, hướng tới sự hài lòng của người dân

Đề xuất bổ sung kinh phí cho Khu công nghệ số Hậu Giang

Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm làm việc tại Lai Châu

Đà Nẵng ưu tiên tuyển sinh con em cán bộ, công chức tỉnh Quảng Nam

Tiền Giang - Ninh Bình: Nhiều dư địa xúc tiến đầu tư công nghiệp

Đà Nẵng đầu tư trăm tỷ mở rộng phố du lịch

Hải Phòng: Gắn biển đường mang tên đồng chí Đỗ Mười

Ninh Thuận: Tăng tốc thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả chính sách tín dụng

Lịch cúp điện Tiền Giang từ ngày 14-16/5/2025

Đoàn nghệ thuật Ninh Ba mang nhiều tiết mục tới 'thành phố Cảng'

Hải Phòng: Nhiều địa danh gắn với ký ức lịch sử hào hùng

Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội cua Cà Mau 2025

Vùng 5 Hải quân khen thưởng tập thể, cá nhân xuất sắc

Hải quan Khu vực II 'bóc trần' thủ đoạn vận chuyển ma tuý

Đà Nẵng: Khen thưởng tập thể, cá nhân đổi mới sáng tạo

TP. Hồ Chí Minh: Phát triển khu công nghiệp gắn với tăng trưởng xanh

5 tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ xã, phường mới tại Thanh Hóa