Thủ tướng Chính phủ: Cải cách hành chính phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm “Gỡ vướng” thủ tục hành chính đăng ký doanh nghiệp |
Trong Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước năm 2024, TP. Hà Nội đã đưa ra những mục tiêu cụ thể cho lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trong đó phấn đấu 70% tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến.
Hà Nội phấn đấu 70% hồ sơ hành chính được xử lý trực tuyến |
Cụ thể trong Kế hoạch này, TP phấn đấu 100% số hồ sơ TTHC được trả kết quả giải quyết đúng hạn, trước hạn. Riêng lĩnh vực tài nguyên môi trường và kế hoạch đầu tư đạt tối thiêu 99% số hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn.
Đặc biệt, về việc thực hiện đảm bảo tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực theo quy định tại Nghị định 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ, năm 2024 TP đặt mục tiêu hoàn thành số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt tôi thiểu tương ứng 70%, 60% và 50% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của TP, cấp huyện và cấp xã, đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.Song song đó, phấn đấu 100% tỷ lệ TTHC đủ điều kiện theo quy định pháp luật được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và đủ điều kiện được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, phấn đấu 50% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực hợp nhất trên mọi hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; 70% tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến.
Để đạt được các chỉ tiêu đó, UBND TP đề ra nhiệm vụ đối với các cơ quan, đơn vị từ TP đến cấp cơ sở là cần rà soát, đơn giản hóa các TTHC, quy định hành chính theo yêu cầu tại Kế hoạch 286/KH-UBND ngày 14/12/2021, Kế hoạch 288/KH-UBND ngày 14/12/2021 của UBND TP và kế hoạch công tác hàng năm.
Bên cạnh đó, yêu cầu tiếp tục triển khai rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ các cơ quan hành chính theo yêu cầu tại Kế hoạch 281/KH-UBND ngày 28/10/2022 của UBND TP vê rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025; triển khai thực hiện hiệu quả việc ủy quyền giải quyết TTHC theo yêu cầu tại Nghị quyết 20/NQ-HĐND ngày 6/7/2023 của HĐND TP; tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát và đánh giá kết quả thực hiện ủy quyền để điều chỉnh phù hợp, gắn với xây dựng quy trình giải quyết TTHC.
Đáng chú ý, lãnh đạo UBND TP yêu cầu các cấp, ngành TP chú trọng nghiên cứu các mô hình sáng kiến trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và đề xuất tổ chức triển khai thực hiện; nghiên cứu các nội dung về tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng CNTT.
Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát hiệu quả cơ chế phối hợp liên thông giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện các TTHC, quy định hành chính, TTHC nội bộ; thực hiện đúng, đủ, kịp thời quy định công bố, công khai TTHC trong các cơ quan, đơn vị; khuyến khích mở rộng, công khai qua các kênh thông tin với nhiều hình thức phù hợp theo quy định pháp luật.
Đặc biệt, TP yêu cầu người đứng đầu các cấp, ngành định kỳ ít nhất 6 tháng/lần tổ chức đối thoại với cá nhân, tổ chức, người dân về TTHC, giải quyết TTHC theo quy định tại Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời có biện pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.