Chế tác sản phẩm gốm sứ Bát Tràng |
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề - nhiều nhất cả nước, trong đó, 286 làng nghề đã được công nhận. Những năm qua, đặc biệt từ năm 2009 trở lại đây, các làng nghề đã phát triển nhanh chóng, đóng góp không nhỏ cho kinh tế Thủ đô. Một số làng nghề “trăm tỷ” như: Sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), mộc Chàng Sơn (Thạch Thất)…
TP. Hà Nội xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nhãn hiệu tập thể, mẫu nhãn mác cho sản phẩm làng nghề nhằm tăng giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. |
Ngoài “nền tảng” tốt, sự phát triển mạnh mẽ của khu vực làng nghề những năm qua có sự hậu thuẫn lớn từ các ban, ngành của thành phố. Bên cạnh hoạt động đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và hỗ trợ xây dựng hạ tầng… thành phố dành nguồn lực hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các làng nghề. Riêng năm 2016, TP. Hà Nội đã dành 3 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện nội dung này. Thành phố cũng xây dựng và thực hiện Chương trình “Hỗ trợ xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội”; xây dựng mô hình tổ chức quản lý nhãn hiệu tập thể, phương án thiết lập, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ; thực hiện thí điểm quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể…
Dưới sự hỗ trợ của thành phố, một số thương hiệu làng nghề đã được nhận biết trên thị trường và tác động tích cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bát Tràng là một điển hình, sau hơn 10 năm đăng ký, thương hiệu “Gốm sứ Bát Tràng” được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Đáng lưu ý, mô hình kết hợp sản xuất, trưng bày sản phẩm với phát triển du lịch, xuất khẩu tại chỗ nhằm quảng bá thương hiệu đã được áp dụng thành công và phát huy hiệu quả cao. Sản phẩm của làng nghề đã tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn và bắt đầu được đón nhận.
Dù thương hiệu có vai trò rất quan trọng trong phát triển làng nghề, tuy nhiên hiện nay, việc xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể của các làng nghề còn gặp nhiều vướng mắc. Một số địa phương chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển thương hiệu làng nghề; đầu tư tài chính nhân sự cho hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu còn hạn chế; hoạt động quảng bá còn manh mún, thiếu bài bản…
Về những bất cập trong xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể, ông Trịnh Quốc Trung - Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và công nghệ Hà Nội) - chia sẻ: Công tác quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cần thời gian dài, đồng bộ nhiều giải pháp và chưa thể đánh giá ngay được hiệu quả kinh tế - xã hội. Do đó, để hoạt động xây dựng, khai thác nhãn hiệu tập thể của các làng nghề hiệu quả hơn nữa, thành phố sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá, rà soát nghiệm thu đúng tiến độ các nhãn hiệu đã đăng ký thực hiện; phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành trong công tác quản lý, khai thác và tiếp tục xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm có giá trị kinh tế cao mà chưa đưa được thương hiệu ra thị trường…