Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2024 Hội Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra từ ngày 26/1-1/2 |
Hà Nội hiện có hơn 1.500 lễ hội với quy mô khác nhau, trải rộng ở tất cả các quận, huyện, thị xã. Trong đó, có nhiều lễ hội lớn, thu hút đông đảo khách thập phương tới dự như Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, quận Đống Đa; lễ hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức; lễ hội Gióng đền Sóc ở huyện Sóc Sơn; lễ hội Gióng đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm; lễ hội đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh; lễ hội Cổ Loa ở huyện Đông Anh; và lễ hội chùa Trăm Gian ở huyện Chương Mỹ...
Hà Nội sẽ tăng cường thực hiện đảm bảo môi trường văn hóa trong lễ hội. Ảnh: Thuỷ Nguyên |
Vì vậy, để chuẩn bị cho mùa lễ hội 2024 diễn ra văn minh, an toàn, giàu bản sắc truyền thống, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức đối với những lễ hội lớn trên địa bàn TP. Hà Nội, ngày 23/1.
Báo cáo của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cho biết, hiện công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn Hà Nội cơ bản đã chuẩn bị sẵn sàng, trong đó nhiều lễ hội có nhiều đổi mới. Như, quận Đống Đa có bãi đỗ xe miễn phí, không có bán hàng rong trong khuôn viên tổ chức lễ hội Gò Đống Đa, tăng cường thêm một đêm nghệ thuật phục vụ nhân dân thưởng thức và vui Xuân.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nhằm, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trong việc thực hiện quy định về tổ chức lễ hội, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đồng thời, yêu cầu các địa phương chú trọng tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích, của lễ hội; giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường trong lễ hội; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đối với những lễ hội có yếu tố sông nước (các hoạt động rước nước, chèo thuyền trên sông) phải bảo đảm an ninh, an toàn cho những người tham gia.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho hay, đây là năm đầu tiên Hà Nội thực hiện Bộ tiêu chí về Xây dựng Môi trường Văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. "Các địa phương cần tăng cường tập huấn cho cán bộ, bộ phận phục vụ lễ hội thái độ, ứng xử đảm bảo môi trường văn hóa trong lễ hội đặc biệt trong những ngày đầu năm. Phần lễ phải đảm bảo truyền thống của địa phương, phần hội cần tổ chức vui tươi, lành mạnh"- bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.
Trước đó, TP. Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2024. Theo đó, TP. Hà Nội quán triệt năm nay lễ hội sẽ được tổ chức theo tinh thần tiết kiệm, trang trọng, hiệu quả, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu; phù hợp với thuần phong mỹ tục, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khi tham gia lễ hội nghiêm túc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh, tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể phát huy vai trò quản lý nhà nước, hướng dẫn, giám sát của cơ quan chuyên môn, tăng cường sự phối hợp trong quản lý hoạt động lễ hội bảo đảm việc tổ chức lễ hội đúng quy định, các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương, tránh phô trương, hình thức, lãng phí. Quản lý tốt tiền công đức theo quy định.