Hà Nội: Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành mây tre đan, chế biến gỗ Hà Nội: Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành sơn mài |
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- cho hay, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có khoảng 13.441 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản. Trong đó, có 400 cơ sở có hoạt động chế biến thực phẩm nông sản. Các cơ sở này hàng ngày cung cấp một lượng lớn các thực phẩm đã qua chế biến cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến nông sản phần lớn nhỏ bé, gần 80% là chế biến thô và công suất chỉ đạt 5 -10% sản lượng nông sản. Phần lớn là do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, thiếu vốn để đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất.
Năm 2020, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản đã chịu ảnh hưởng không nhỏ. Đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản là một trong những giải pháp nhằm khắc phục ảnh hưởng sau dịch, giúp các doanh nghiệp chủ động thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị cho nông sản Việt.
Chuỗi kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành chế biến nông sản Thành phố năm 2020 được triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp ngành chế biến nông sản nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào cho vòng đời sản phẩm, cải thiện sức mua, giải phóng hàng tồn kho, kích cầu tiêu dùng nội địa…
Chuỗi kết nối được tổ chức với các hoạt động chính gồm: Trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngành chế biến nông sản; kết nối kinh doanh; liên kết hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng nông sản tiêu biểu có chất lượng cao, kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, thương mại, tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội. “Đây là một trong chuỗi chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, cải thiện sức mua, giải phóng hàng tồn kho, khắc phục tác động của dịch Covid-19 để phục hội và phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngành chế biến nông sản |
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hải, dựa trên việc xác định đánh giá vòng đời sản phẩm, đảm bảo sử dụng hiệu quả các tài nguyên, giảm phát thải nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, Sở Công Thương Hà Nội ban hành tiêu chí Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho nhóm ngành chế biến nông sản trên địa bàn Thành phố. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành chế biến nông sản tham gia phải đáp ứng 10 tiêu chí từng giai đoạn từ quá trình sản xuất sản phẩm phẩm hàng hóa đến khâu phân phối.
Cụ thể, có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại khoản 5 Điều 37 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; áp dụng hệ thống quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO hoặc quy định tại Việt Nam; có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại…; có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói; sản phẩm thực hiện truy xuất nguồn gốc; các sản phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật phải có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y; nhãn mác sản phẩm đầy đủ thông tin; có quy trình vận chuyển và chế biến sản phẩm tươi sống đảm bảo điều kiện bảo quản thực phẩm; hệ thống phân phối có quy trình nhập hàng, kiểm soát chất lượng sản phẩm khi nhập kho; có giải pháp giảm phát thải bao bì, túi nhựa, ni lông, thay thế dần bằng bao bì, túi thân thiện với môi trường.
Trao chứng nhận cho các doanh nghiệp tham gia kết nối |
Trong khuôn khổ buổi lễ, lãnh đạo Sở Công Thương và UBND huyện Quốc Oai đã trao giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp tham gia Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành chế biến nông sản Thành phố Hà Nội năm 2020.
Phạm Quang Tuấn- Phó chủ tịch UBND huyện Quốc Oai- nhấn mạnh, việc triển khai chương trình kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành chế biến nông sản nhằm hướng tới nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên; duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm, từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm. Đồng thời, thay đổi hành vi người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng và thải bỏ sản phẩm.