Hà Nội: 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đạt mốc tăng trưởng GRDP 7,5-8% đến năm 2025 Hà Nội: Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 7,79% |
Đã có 3 ca nhiễm biến chủng Omicron BA.5
Mở đầu cuộc họp báo, ông Trương Việt Dũng - Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã thông tin các nét cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội trong 6 tháng đầu năm ước thực hiện 177.464 tỷ đồng (đạt 56,9 % dự toán), bằng 122,4 % so với cùng kỳ năm 2021. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 30.527 tỷ đồng (đạt 28,5% dự toán), bằng 102,8% so với cùng kỳ năm 2021. 6 tháng đầu năm 2022, GRDP tăng 7,79%, gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (6,02%). Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 8,32 tỷ USD, tăng 17,1% (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,5%; cùng kỳ năm 2019 tăng 5,4%).
Tại buổi họp báo, đại diện các sở ngành đã trả lời nhiều vấn đề nóng liên quan đến tình hình chống dịch Covid – 19 trên địa bàn, gần đây 900 nhân viên y tế các cấp của Hà Nội xin nghỉ việc, tình hình cấp thoát nước của Hà Nội, vấn đề rác thải sinh hoạt, tính hiệu quả của tuyến xe buýt nhanh BRT, việc lấn chiếm vỉa hè xung quanh khu vực Hồ Tây, quy hoạch 2 bên đường Lê Văn Lương, UBND thành phố đề xuất di dời 10 cơ sở nhà đất….
Về vấn đề y tế, ông Vũ Cao Cương - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội ghi nhận số ca mắc trung bình là 180 ca/ngày, giảm rất mạnh so với vài tháng trước đây. Đáng chú ý, kết quả giải trình tự gene của bệnh viện Bạch Mai có 3 người tại Hà Nội nhiễm biến chủng BA.5. Đây là biến chủng phụ của Omicron, có khả năng lây nhiễm nhiều hơn các biến chủng khác như BA.1, BA.2 nhưng mức độ nặng hay không chưa có bằng chứng rõ ràng. Các triệu chứng của 3 ca trên là nhẹ hoặc không triệu chứng.
Ông Cao Vũ Cương - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - chia sẻ tại buổi họp báo |
Ông Vũ Cao Cương cho biết, việc tiêm vắc xin mũi 4 và tiêm cho trẻ em tỷ lệ hơi chậm, do một số bộ phận người dân chưa đồng tình. Ngành y tế đang đẩy mạnh truyền thông để tăng cường tỷ lệ tiêm. Liên quan đến việc gần 750 cán bộ nhân viên y tế nghỉ việc, ông Vũ Cao Cương cho biết việc này xảy ra rải rác từ năm 2021 đến hết tháng 5/2022. Nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong 2 năm tạo áp lực tương đối lớn lên cán bộ y tế tất cả các tuyến, nguồn thu của các đơn vị giảm nhiều, đặc biệt là các bệnh viện tự chủ và y tế cơ sở, nên thu nhập của cán bộ y tế so với khối lượng công việc chưa tương xứng.
Về vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt tại địa bàn nội đô, ông Mai Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông tin, mặc dù nhà máy rác Thiên Ý được bắt đầu xây dựng từ năm 2019 nhưng do nhiều điều kiện khách quan, đặc biệt là hai năm vừa qua diễn ra đại dịch Covid-19 nên liên tục phải lùi tiến độ hoàn thành. Về phía thành phố cũng đã tổ chức nhiều đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc cũng như tháo gỡ khó khăn cho nhà máy này.
Thông tin thêm vấn đề ùn ứ rác thải trên địa bàn thành phố, ông Mạc Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cho hay, thời gian qua, có một số thời điểm trời mưa to, lượng mưa lớn trong thời điểm ngắn gây ngập tại một số khu vực trên địa bàn thành phố làm ảnh hưởng đến công tác thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt của một số địa bàn. Sau thời gian đó, mặc dù các phương tiện vận chuyển đã hoạt động hết công suất, tuy nhiên để vận chuyển hết khối lượng rác tồn cần có thời gian. Đến nay, về cơ bản, khối lượng rác thải tồn đọng đã được xử lý, vận chuyển hết về Khu xử lý tập trung; công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố đã hoạt động bình thường.
Đối với 02 bãi Nam Sơn và Xuân Sơn là các khu xử lý chính của thành phố, tiếp nhận khoảng 6.500 tấn/ngày; các khu xử lý đều vận hành từ năm 1999, đến nay cơ sở hạ tầng cần liên tục phải cải tạo, nâng cấp để đáp ứng khối lượng xử lý. Vì vậy, dẫn đến điều kiện hạ tầng vận hành các khu xử lý còn gặp nhiều khó khăn, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây chậm công tác tiếp nhận rác thải từ các địa bàn trong một số thời điểm thời tiết bất lợi như mưa lớn.
Làm rõ thông tin điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu
Liên quan đến tuyến đường Lê Văn Lương, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã thông tin nhiều nội dung về các nhóm vấn đề quy hoạch, tổ chức quy hoạch, định hướng quy hoạch qua các thời kỳ, việc quản lý quy hoạch, điều chỉnh nhiều lần hay quá tải xây dựng gây ùn tắc giao thông hạ tầng kỹ thuật...
Ông Phạm Quốc Tuyến - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thông tin tại buổi họp báo |
Ông Phạm Quốc Tuyến – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội – cho biết, qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục đường Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng. Để triển khai chỉnh trang các tuyến phố chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, và để phù hợp với định hướng mới sau khi hợp nhất, UBND TP Hà Nội đã báo cáo và được Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh chiều cao theo hướng nâng thêm chiều cao tầng các công trình tại đây.
Nội dung định hướng cao tầng này cũng đã được cập nhật vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 27/6/2011.
Mặt khác, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các dự án không vượt chỉ tiêu khống chế về hạ tầng khung, chỉ tiêu khống chế quy hoạch kiến trúc tại quy hoạch phân khu, đồng nghĩa với việc vẫn đảm bảo yêu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã xác định tại quy hoạch phân khu được duyệt. Bên cạnh đó, với các định hướng tại
Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phân khu, việc UBND TP Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết năm 2016, cũng như giải quyết các dự án theo hướng tập trung nhà cao tầng tại đây phù hợp với ý kiến Bộ Xây dựng đã thỏa thuận và chủ trương, định hướng phát triển kinh tế xã hội của TP Hà Nội qua các thời kỳ và định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Do đó, việc kết luận nhà cao tầng gây quá tải, thiếu trường học nhà trẻ, giảm tiện ích… tại một số dự án là chưa thỏa đáng.
Cũng theo ông Phạm Quốc Tuyến, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang nghiêm túc triển khai thực hiện nội dung kết luận thanh tra Bộ Xây dựng. Đối với các nội dung kết luận còn chưa thống nhất, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội sẽ báo cáo UBND thành phố, cơ quan liên quan và có kiến nghị gửi thanh tra Bộ Xây dựng trong thời hạn 60 ngày theo đúng quy định của Luật Thanh tra. “Đối với những sai phạm chúng tôi đang xem xét báo cáo, sau khi có nội dung và còn phải trao đổi lại với Bộ Xây dựng thì mới xác định được chính xác là có hay không có những nội dung sai phạm như vậy”, ông Phạm Quốc Tuyến cho biết thêm.
Ông Trương Việt Dũng - Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội - thông tin tại buổi họp báo |
Đối với quy hoạch đường Lê Văn Lương, ông Trương Việt Dũng - Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội thông tin thêm, ngày 17/5, thanh tra Bộ Xây dựng công bố quyết định thanh tra (sau hơn 2 năm thực hiện công tác thanh tra), đến ngày 20/5 đã công bố kết luận thanh tra và hiện vẫn đang trong tiến trình thực hiện kết luận thanh tra. Chúng tôi cũng sẽ có báo cáo kết quả, việc này được thực hiện trong vòng 60 ngày, tức là thời hạn sẽ đến ngày 20/7. Do đó, một số câu hỏi của phóng viên báo chí, thành phố sẽ lĩnh hội và ghi nhận và phản ánh, báo cáo đến các cấp thẩm quyền. Trong đó, có nội dung liên quan đến việc triển khai, xử lý sau thanh tra và các nội dung thực hiện theo kết luận thanh tra.
“Đến thời điểm này, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Kiến trúc - Quy hoạch, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cũng như các đơn vị xây dựng báo cáo giải trình, chúng tôi sẽ sớm xem xét nội dung này. Từ nay đến 20/7 còn khoảng 3 tuần nữa. Sau thời điểm làm việc với thanh tra Bộ Xây dựng chúng tôi sẽ có buổi thông tin chính thức, toàn diện, tổng thể đến phóng viên báo chí”, ông Trương Việt Dũng cho biết.
Một số vấn đề liên quan đến thi cử, lộ trình thực hiện học phí, các dự án chậm triển khai… UBND sẽ gửi văn bản đến các Sở, ngành có ý kiến trả lời đến cơ quan báo chí. “Liên quan đến di dời trụ sở Báo Lao Động tại 51 Hàng Bồ, ngay sau khi có thông tin từ cơ quan báo chí, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc và tiếp thu. Trong tờ trình HĐND mới đây, cũng đã không còn danh mục của trụ sở Báo Lao Động”, ông Trương Việt Dũng thông tin thêm.
Tại cuộc họp báo, ông Phạm Xuân Tài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã thông tin về việc nghệ sĩ Hồng Đăng đi du lịch ở châu Âu. Theo ông Tài, diễn viên Hồng Đăng thuộc biên chế của Nhà hát kịch Hà Nội, hiện nay, theo thông tin chưa chính thống diễn viên Hồng Đăng có đi du lịch ở châu Âu và có liên quan đến vụ việc đang được điều tra. Sở Văn hóa và Thể thao đã giao cho Giám đốc Nhà hát kịch có những báo cáo chính thức về nội dung này. Khi Nhà hát kịch có báo cáo bằng văn bản thì Sở sẽ thông tin chính thức đến các cơ quan báo chí. |