Hà Nội: Phấn đấu giai đoạn 2016- 2020 tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8,5- 9% Năm 2022: Hà Nội phấn đấu đạt GRDP/người từ 139-141 triệu đồng |
Công nghiệp, thương mại tăng trưởng tích cực
Theo UBND thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế Thủ đô tăng trưởng ở mức khá cao, GRDP ước tính tăng 7,79%, trong đó riêng quý II/2022 tăng là 9,49%, gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng 19,5% - gấp gần 5 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (4,5%). Hoạt động bán lẻ, vận tải, du lịch phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ ước tăng 21,8% - gấp 3 lần mức tăng cùng kỳ (7,2%). Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 8,8% - cao hơn cùng kỳ (8,4%); vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng 4,5% (cùng kỳ tăng 3,2%) và dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 5,4% (cùng kỳ tăng 4,2%).
Hà Nội: 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đạt mốc tăng trưởng GRDP 7,5-8% đến năm 2025 |
Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 56,8% dự toán được giao và tăng 20% so với cùng kỳ, nguồn thu ngân sách nhà nước tiếp tục được cơ cấu theo hướng ổn định, bền vững với việc nâng dần tỷ trọng thu từ thuế phí và giảm dần các khoản thu từ đất. Chi ngân sách địa phương ước đạt 31,2% dự toán, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Cân đối ngân sách được giữ vững. Công tác quản lý điều hành tài chính, ngân sách chủ động, linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ: phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch; tổ chức Sea Games 31... và những nhiệm vụ trọng tâm khác.
Công tác quản lý và phát triển đô thị tiếp tục có những chuyển biến tích cực; công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ với nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt (như quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; quy hoạch các bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;...). Xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị được đẩy mạnh, thành phố tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022 (lũy kế 5 tháng đầu năm đã hoàn thành trên 410.000 m2 sàn nhà ở, gần 3.900 căn nhà); thực hiện trồng 33,8 nghìn cây bóng mát, 10,3 nghìn cây bụi và 3,2 nghìn m2 cây mảng thảm cỏ.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường trên địa bàn thành phố tiếp tục được chỉ đạo tăng cường. Thành phố đang tập trung hoàn thành Dự án xây dựng tổng thể hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai TP. Hà Nội; đã thực hiện hạng mục đo đạc trên 27/27 địa bàn và hoàn thành đo đạc bản đồ ngoại nghiệp và tổ chức nghiệm thu 477/489 xã, phường, thị trấn.
Văn hóa - xã hội được quan tâm, hoạt động đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Các hoạt động văn hóa, lễ hội tiếp tục được tuyên truyền và triển khai có hiệu quả, đặc biệt công tác tổ chức SEA Games 31 của TP. Hà Nội đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được Trung ương giao, bảo đảm các mốc tiến độ, góp phần tổ chức thành công SEA Games 31; được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, tiếp tục khẳng định hình ảnh và uy tín của Việt Nam....
Cải cách hành chính được nâng cao, đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế. Chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) của Hà Nội có sự cải thiện nhanh (tăng 39 bậc so với năm trước); Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính) tăng 3 bậc. Công tác quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các hoạt động đối ngoại tiếp tục được quan tâm.
5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nền kinh tế, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững… là những nội dung trong Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 27/6/2022, triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình hành động trên, Kế hoạch xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu. Theo đó, TP. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP đạt 7,5-8%; cơ cấu ngành kinh tế: Dịch vụ chiếm 65 - 65,5%, công nghiệp - xây dựng chiếm 22,5-23%, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 1,4 - 1,6%; tốc độ tăng năng suất lao động 7 - 7,5%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt khoảng 30%; doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%.
Thành phố cũng phấn đấu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%. Giảm tối thiểu 20% đầu mối tổ chức bên trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng dưới 3%. Số lượng hợp tác xã được thành lập và hoạt động khoảng 2.500 hợp tác xã.
Kế hoạch nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các chỉ tiêu trên. Trong đó, tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển nhiều loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực.
Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của những vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn; cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế.
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội - cho biết, cùng với những kết quả đã đạt được trong những tháng đầu năm, UBND thành phố xác định từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai đồng bộ các giải pháp để doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn và các chính sách hỗ trợ; đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người lao động và thị trường lao động; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đa dạng các kênh huy động và thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển;... và tập trung thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2022, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo đà thuận lợi trong việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 đã đề ra.