Đã đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường?
Quay trở lại câu chuyện về Nhà máy điện rác Sóc Sơn, do Công ty Cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội (gọi tắt là Công ty Thiên Ý) đầu tư, quản lý, vận hành.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn đi vào hoạt động đã giải tỏa không nhỏ áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt của Hà Nội |
Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối tháng 7/2022 nhà máy đã chính thức hòa lưới điện quốc gia để vận hành với công suất phát điện đốt rác 15 MW ở giai đoạn 1. Giai đoạn 2 và giai đoạn 3 Nhà máy tiếp tục có thêm 4 lò đốt và 2 tổ máy phát điện, dự kiến vận hành trong năm 2022.
Hiện nhà máy đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm, với các mức tải khác nhau, sau 15 ngày chạy thử nghiệm sẽ đến giai đoạn chạy tin cậy và phát điện chính thức.
Phải khẳng định, Nhà máy điện rác Sóc Sơn đi vào hoạt động đã giải tỏa không nhỏ áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt của Hà Nội, tuy nhiên với một nhà máy có công suất lớn nhất nhì thế giới (công suất đạt 4.000 tấn rác khô/ngày đêm) khiến không ít chuyên gia bày tỏ lo ngại về công tác kiểm soát, kiểm tra và quản lý chất thải, khí thải của nhà máy. Bởi sẽ có nhiều khí thải, chất thải độc hại được sản sinh trong quá trình đốt rác, nếu không kiểm soát, quản lý tốt thì hệ lụy với môi trường sống là khôn lường.
Dẫn chứng cho nhận định nêu trên, ông Hoàng Dương Tùng - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường – phân tích: “Bất kỳ nhà máy đốt rác nào trên thế giới đều phải quan tâm đến khí thải như NOx, NO2 đặc biệt là tro bay có chứa dioxin và khí dioxin/Funrua, trong khi việc xử lý khí này không đơn giản như các loại khí khác. Nếu để phát tán ra môi trường sẽ vô cùng có hại cho sức khỏe con người. Các nước đều đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe và đưa ra quy định nghiêm ngặt để theo dõi kết quả xử lý cũng như quy định vận hành các thiết bị xử lý, quan trắc môi trường không khí xung quanh khu vực nhà máy đốt rác”.
Cụ thể, đối với châu Âu, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, từ năm 2001 đã quy định nồng độ dioxin =<0,1TEQ (TEQ=<0,1) có trong khí thải và tro bay sản sinh ra trong quá trình đốt. Nhiệt độ đốt của lò tối thiểu trên 850 độ C, thời gian lưu tối thiểu trong buồng đốt 2 giây; cộng với các tiêu chuẩn, quy trình cho hệ thống giảm nhiệt nhằm triệt tiêu dioxin/funrua sau quá trình đốt, khi ra tro thì phải bơm carbon hoạt tính vào, sau đó tiếp tục phải xử lý tro bay.
Do tro bay hấp phụ dioxin/funrua nên phải được hóa rắn và chôn lấp tại khu vực riêng biệt nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường. “Các quy định này nhằm ngăn ngừa những hiểm họa từ các khí thải, chất thải của nhà máy đốt rác”, ông Hoàng Dương Tùng cho biết.
Trước những những lo ngại trên, ông Đỗ Tiến Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty Thiên Ý - cho biết: Nhà máy điện rác Sóc Sơn được xây dựng đáp ứng QCVN61-MT:2016/BTNMT với nồng độ TEQ = 0,5. Nhà máy được đầu tư với công nghệ hiện đại hoàn toàn tự động.
Cũng theo đại diện Công ty Thiên Ý, rác sẽ được lưu chứa trong bể để ủ từ 5-7 ngày tùy vào thời tiết và mùa, quá trình ủ rác trong bể giúp cho việc tách nước rỉ rác giúp giảm độ ẩm để tăng nhiệt trị của rác lên, nước rỉ rác dưới đáy bể sẽ được bơm hút sang bể xử lý riêng.
“Quá trình ủ rác cũng tạo ra khí metan và được cấp vào quá trình đốt vừa hỗ trợ quá trình đốt. Công nghệ mới này giúp nhiệt độ lò đốt có thể tăng lên nhiều, hiện lò đốt luôn đạt nhiệt trị trên 920 độ C”, ông Dũng chia sẻ.
Cũng theo ông Dũng, xỉ đáy lò sẽ được công ty tán nhỏ, chế biến xong phân loại theo kích cỡ và đem đi thí nghiệm, phân tích đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng để sử dụng làm vật liệu xây dựng, vật liệu lót đường, gạch không nung…
“Tro bay sẽ được thu hồi ngâm chiết, hóa rắn (bê tông hóa) đem đi chôn lấp, hiện tại khu vực chôn lấp tro bay đang chờ UBND TP. Hà Nội chỉ định, tuy nhiên trong khi chờ thì lượng tro bay (tương đương 3% lượng rác đốt) sẽ được chúng tôi lưu giữ trong xi lo, chờ đến khi xưởng xử lý đáy lò của nhà máy dự kiến đến tháng 10/2022 thi công xong, chúng tôi sẽ hóa rắn và đưa về đó để lưu giữ”, ông Dũng khẳng định.
Sau khi vận hành cả 3 giai đoạn, nhà máy xử lý đốt rác 4.000 tấn rác khô/ngày đêm sẽ giải quyết được từ 60-70% lượng rác đang chôn lấp của TP. Hà Nội hiện nay.
Cần những giải pháp căn cơ
Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ. Cùng với đó, sự gia tăng dân số, kéo theo chất thải rắn và rác thải sinh hoạt tăng về khối lượng gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường. Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt bảo đảm hiệu quả đối với các đô thị lớn như Hà Nội đòi hỏi cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ phân loại rác đến đầu tư hạ tầng.
Theo PGS.TS Đặng Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Để cải tiến hay hoàn thiện công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể từ chính sách pháp luật, quản lý tổng hợp, giải pháp kỹ thuật hoàn thiện đối với đặc điểm của từng công nghệ. Đây cũng là một trong những mục tiêu của chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đó là ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường.
Bên cạnh đó, việc tính phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với đối tượng xả thải phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và phù hợp với lộ trình tính phí trên nguyên tắc phí thu gom, dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý phải được tính đúng, tính đủ các chi phí liên quan, vận hành có lộ trình phù hợp…
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam – khuyến cáo: Hà Nội lên quy hoạch từ 4 - 6 nhà máy xử lý rác được bố trí phân tán xung quanh Hà Nội để giảm chi phí thu gom, vận chuyển, đồng thời phòng ngừa sự cố khi một nhà máy nào đó không thể tiếp nhận rác vì bất cứ lý do gì. Ngoài ra, phải giám sát chặt chẽ các nhà máy rác để đảm bảo việc vận hành khai thác đạt chuẩn.
Theo các chuyên gia môi trường, Hà Nội cần nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, phù hợp với định hướng của Luật Bảo vệ môi trường như: Thống nhất công tác quản lý nhà nước đối với chất thải rắn sinh hoạt đối với Sở Tài nguyên và Môi trường; nâng cao vai trò, chịu trách nhiệm quản lý vệ sinh môi trường trên địa bàn đúng theo phân cấp; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đổ trộm, trộn lẫn chất thải; quản lý chặt năng lực các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường…
Kết cho loạt bài viết này, chúng tôi trích đánh giá của ông Hoàng Dương Tùng – chuyên gia tâm huyết trong lĩnh vực môi trường: “Chúng ta đã có Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Luật đã có quy định phân loại rác tại nguồn, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý… đều có cả. Hà Nội đang xây dựng một thành phố thông minh, vậy thành phố thông minh phải là thành phố phục vụ tốt hơn cho người dân, là đô thị không rác thải. Vậy thành phố đó ứng dụng công nghệ phục vụ cho công tác quản lý đô thị như thế nào? với môi trường ra sao? công nghệ số sẽ là yếu tố quyết định trong nền kinh tế tuần hoàn rác. Muốn thành công trước hết phải thay đổi tư duy quản lý đô thị. Và theo tôi giải pháp căn cơ cho vấn đề môi trường rác thải của Hà Nội phải bắt nguồn từ việc thực hiện tốt Luật Bảo vệ Môi trường 2020”.
Ngày 5/5/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quan điểm của Nghị quyết là “…. xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững …”. Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp được nhấn mạnh trong Nghị quyết là: Tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước, các hệ thống sông, hồ; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị... theo quy hoạch. |