Hà Nội giải bài toán rác thải - nỗi ám ảnh xuyên thập kỷ: Bài 1 - Vì sao “xanh” nhưng chưa sạch đẹp? |
Thế nhưng đến thời điểm này, hầu hết các nhà máy điện rác trên địa bàn Hà Nội đều chậm tiến độ hoặc hoạt động không hiệu quả.
Nhiều dự án lỗi hẹn
Sau 7 năm phê duyệt chủ trương đầu tư, 2 dự án nhà máy rác thải là Châu Can (Phú Xuyên) và Núi Thoong (Chương Mỹ) vẫn chưa triển khai được. Dư luận đặt câu hỏi về năng lực của chủ đầu tư? cũng như có hay không những khuất tất đằng sau dự án này?
Trung tâm vận hành điều khiển của Nhà máy điện rác Sóc Sơn |
Trước đó, tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP. Hà Nội, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn đã chia sẻ, đối với nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong, nguyên nhân chậm triển khai là gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đến nay huyện Chương Mỹ mới hoàn thành công tác này.
Hiện chủ đầu tư đang có văn bản xin điều chỉnh nâng công suất của nhà máy, song đề xuất này chưa phù hợp với quy hoạch chung về quản lý rác thải của Chính phủ. Hiện tại, các sở, ngành đang kiến nghị UBND thành phố xem xét điều chỉnh, nếu không phù hợp thì đề nghị thu hồi dự án.
Đối với Nhà máy xử lý rác Châu Can, hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đôn đốc chủ đầu tư. Sau khi HĐND chất vấn, chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị thay đổi chủ trương đầu tư nâng công suất của dự án, tăng vốn, điểu chỉnh tiến độ… Tuy nhiên, dự án vẫn chưa tiến hành giải phóng mặt bằng, chưa lựa chọn được công nghệ xử lý, năng lực của chủ đầu tư hạn chế… khiến công tác thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn.
Hiện các đơn vị có liên quan đang tiến hành rà soát, kiểm tra, nếu không đảm bảo quy định đề ra thì đề nghị thu hồi dự án.
Còn Nhà máy điện rác tại Nam Sơn, Sóc Sơn sau nhiều lần lỡ hẹn thì ngày 25/7 vừa qua lò đốt rác số 1 của nhà máy mới đi vào hoạt động. Dự kiến trong năm 2022 sẽ hoạt động ổn định cả 5 lò đốt rác với công suất 4.000 tấn rác/ngày, đêm.
Chưa tạo được sự đồng thuận
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về việc quản lý vận hành các khu xử lý rác thải rắn hiện nay, đại diện một số đơn vị thừa nhận: Các khu xử lý theo quy hoạch, đặc biệt đối với những dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2016 đều chậm triển khai thực hiện, một số dự án đã vận hành nhưng thường xuyên sự cố. Vì vậy, hiện nay 2 khu xử lý chính của thành phố là Nam Sơn và Xuân Sơn đang phải tiếp nhận, xử lý toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt cần được xử lý của thành phố, chủ yếu vẫn bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh.
2 khu xử lý chính rác của Hà Nội hiện nay là Nam Sơn và Xuân Sơn |
Những khó khăn khi thực hiện các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn được giới chuyên gia nhận định là do chưa tạo được sự đồng thuận của người dân trong quá trình triển khai; việc lựa chọn công nghệ của các nhà đầu tư đối với những dự án được chấp thuận chủ trương thời điểm trước năm 2016 chưa phù hợp với định hướng hiện nay về việc sử dụng công nghệ hiện đại, thu hồi năng lượng phát điện.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện dự án xử lý rác thải thu hồi năng lượng phát điện theo quy định phải thực hiện nhiều công đoạn và phải được nhiều cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quá trình triển khai: Thẩm định, phê duyệt công nghệ, đánh giá tác động môi trường (cấp Bộ), thiết kế kỹ thuật (cấp Bộ), bổ sung quy hoạch điện (cấp Chính phủ), đấu nối và ký hợp đồng phát điện lên lưới (EVN)…. và thuộc thẩm quyền của nhiều bộ ngành cấp trung ương: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, EVN.
Trong khi đó năng lực của một số nhà đầu tư còn chưa đạt yêu cầu; một số nhà máy đốt rác đã đưa vào sử dụng (đốt không phát điện) song công suất nhỏ và việc quản lý của nhà đầu tư không tốt nên không đạt hiệu quả.
Là đơn vị đang giữ công nghệ lò đốt rác T-TECH và có đầu tư nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này, ông Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam - chỉ ra các yếu tố có thể gây chậm tiến độ, đó là: Với giai đoạn chuẩn bị đầu tư, có thể do nhà đầu tư không có kinh nghiệm làm hồ sơ thiết kế, hồ sơ dự án; hoặc do sự phê duyệt chậm trễ của cơ quan ban ngành liên quan; sự chồng chéo trong các thủ tục phê duyệt, kiểm soát bởi cơ quan thẩm định nhà nước. Còn trong giai đoạn xây dựng, đa phần phụ thuộc vào năng lực nhà đầu tư, có thể do năng lực tài chính yếu, công nghệ yếu, phụ thuộc công nghệ của nhà thầu thi công, hoặc nhà đầu tư không có nhiều kinh nghiệm tổ chức thi công các nhà máy đốt rác phát điện, dẫn đến chậm trễ. “Giai đoạn này chủ yếu phụ thuộc vào nhà đầu tư chứ không phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước”, ông Trọng nhấn mạnh.
Những yếu tố cơ bản để thành công
Theo các chuyên gia, để đầu tư một nhà máy đốt rác phát điện thành công cần phải có đủ năm yếu tố: Thứ nhất, phải có công nghệ phù hợp với rác Việt Nam, với rác chưa được phân loại từ đầu nguồn, và có thành phần rác hổ lốn phức tạp.
Thứ hai, nhà đầu tư phải có công nghệ với chi phí thấp, không muốn nói là rẻ, để phù hợp với chi phí xử lý rác tại Việt Nam đang còn rất thấp. Nếu suất đầu tư quá lớn, công nghệ ngoại nhập thì chi phí giá vốn cao, khấu hao nhiều, dẫn đến thua lỗ, không hiệu quả.
Thứ ba, nhà đầu tư phải có kinh nghiệm, thậm chí phải có rất nhiều kinh nghiệm để có một tư duy đầu tư tốt, quy hoạch tốt, xác định mức tốt thì mới có phương án hiệu quả về mặt kinh tế và kỹ thuật.
Thứ tư, nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thì mới quản lý điều hành hiệu quả nhà máy sau khi xây dựng hoàn thành. Nếu không có kinh nghiệm chi phí sẽ bị phát sinh rất lớn, không kiểm soát, vận hành được, dẫn đến thất bại.
Thứ năm, nhà đầu tư phải có công nghệ trong tay, nếu không có công nghệ trong tay thì phải có đối tác công nghệ chung thân cam kết đồng hành tin cậy. Đây được xem là yếu tố quan trọng nhất. Bởi nếu không có công nghệ trong tay thì không thể chủ động sửa chữa khắc phục kịp thời khi hỏng hóc…
Bên cạnh các yếu tố nêu trên, ông Nguyễn Đình Trọng cũng khuyến nghị: Hà Nội cần có chính sách quản lý các nhà máy rác, nhà đầu tư một cách hợp lý để cùng phát triển và kiểm soát được môi trường; giám sát chặt chẽ các nhà máy rác để đảm bảo việc vận hành khai thác đạt chuẩn; đồng hành cùng nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình vận hành.
“Tôi nghĩ rằng, TP. Hà Nội chỉ cần đưa ra đơn giá chi phí xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt rác phát điện có giá dưới 18 hoặc 20 USD/1 tấn là đủ. Nên đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với điều kiện, yêu cầu thành phố”, ông Trọng chia sẻ.
Đốt rác phát điện được đánh giá là giải pháp tối ưu nhất hiện nay trong việc xử lý chất thải sinh hoạt, giải pháp này đã được nhiều nước trên thế giới lựa chọn.
Tuy nhiên đằng sau các dự án đốt rác phát điện là những quy định, quy chuẩn, kiểm soát nghiêm ngặt về quy trình vận hành các nhà máy đốt rác, về quản lý các chất thải được phát sinh sau quá trình đốt rác là điều được các nước đặc biệt quan tâm nhất là chất dioxin/funrua có trong tro bay và khí thải của các nhà máy đốt rác.
Ngày 13/2/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 192/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025” với mục tiêu tổng quát đến năm 2025 ngành công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu về bảo vệ môi trường trong nước… trong đó mục tiêu cụ thể là phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường... Tuy nhiên theo mục tiêu trên thì hiện nay phát triển các công nghệ xử lý rác thải trong nước còn rất hạn chế, các địa phương trong đó có Hà Nội vẫn đang loay hoay để tìm giải pháp cho vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt. |
(Còn nữa)