Thứ tư 14/05/2025 23:18

Hà Nội: Đẩy mạnh kiểm tra các địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại

Từ nay đến cuối năm, lực lượng chức năng Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là tại các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Đồng thời, tăng cường quản lý địa bàn, nắm bắt thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh để lập kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm.

Xử lý hành chính hơn 630 vụ vi phạm

Báo cáo Kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thư­ơng mại, hàng giả tháng 9, triển khai nhiệm vụ tháng 10/2021 của Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cho thấy, trong tháng 9, TP. Hà Nội thực hiện tiếp 1 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 21/9. Trong thời gian giãn cách, các cơ sở kinh doanh hàng hóa không thiết yếu đóng cửa để phòng chống dịch trong khi các cửa hàng kinh doanh dịch vụ thiết yếu như thuốc tây, tạp hóa, thực phẩm… vẫn hoạt động bình thường để phục vụ nhu cầu của người dân. Tình hình thị trường hàng hóa ổn định; các cơ sở kinh doanh cung ứng cam kết đảm bảo nguồn cung, không tăng giá và bán đúng giá niêm yết.

Lực lượng QLTT Hà Nội phát hiện hàng trăm nghìn sản phẩm, thiết bị y tế vi phạm tại xã Phủ Lỗ, Hà Nội

Trước bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các sở, ngành và lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 thành phố vừa tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa đấy mạnh thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là hành vi lợi dụng dịch bệnh để găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, không niêm yết giá và bán hàng không đúng giá niêm yết. Đặc biệt thời điểm tháng 9 trùng vào dịp Tết Trung thu nên một số vụ việc vi phạm liên quan đến mặt hàng bánh trung thu, bánh ngọt các loại đã được các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm. Ngoài ra, còn phát hiện một số vụ việc vi phạm về mặt hàng phòng chống dịch bệnh như thuốc điều trị Covid-19, khẩu trang giả mạo nhãn hiệu, bộ đồ bảo hộ y tế, máy tạo oxy…

Điển hình, đầu tháng 9, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT TP. Hà Nội) phối hợp cùng Đội 2 - Phòng An ninh kinh tế Công an TP. Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 43 đường 3, xã Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và phát hiện hơn 400.000 sản phẩm, vật tư y tế phòng chống dịch. Trong đó có hơn 20.000 khẩu trang y tế có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M. Toàn bộ hàng hoá chưa xuất trình được hoá đơn, chứng từ theo quy định. Vụ việc đã được chuyển sang cơ quan Công an để tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đến ngày 3/9/2021, Đoàn kiểm tra liên ngành - Ban Chỉ đạo 389 huyện Hoài Đức gồm: Đội QLTT số 24, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và ma túy – Công an huyện Hoài Đức, Phòng Y tế, Phòng Kinh tế đã tiến hành khám phương tiện vận tải xe ôtô BKS 29H-094.16 do ông Nguyễn Khắc Toản điều khiển và xe ôtô BKS 88C- 032.73 do ông Nguyễn Ngọc Nam điều khiển. Tại thời điểm khám, Đoàn kiểm tra phát hiện trên 02 xe ô tô có 200 máy tạo oxy mang nhãn hiệu Hidgeem Plus do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Hiện vụ việc đang được tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 300 triệu đồng.

Ngày 9/9/2021, Đội QLTT số 15 (Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội) phối hợp với Đội 5 PC05 Công an TP. Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm của hộ kinh doanh “Đinh Thị Hường - 92” tại địa chỉ số 50 phố Ngũ Nhạc và số 37 ngõ 55 Thanh Lân đều thuộc phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Kết quả kiểm tra: tạm giữ 4.094 sản phẩm bánh trung thu, bánh ngọt các loại là hàng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ kèm theo theo quy định có trị giá 40,777 triệu đồng. Dự kiến xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng…

Cùng với lực lượng QLTT, công an, hải quan, các sở, ngành là thành viên của Ban chỉ đạo 389/TP và BCĐ 389 quận, huyện, thị xã thường xuyên bám sát và kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp trên. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của các sở, ngành, các lực lượng chức năng đã được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ quy định của pháp luật.

Gắn với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân cam kết không buôn lậu, không kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm an toàn thực phẩm, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật.

Trong tháng 9/2021, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389/TP đã thanh tra, kiểm tra 725 vụ; xử lý hành chính: 631 vụ. Khởi tố 2 vụ đối với 5 đối tượng. Trong đó: 57 vụ hàng cấm, hàng lậu; 4 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; 570 vụ gian lận thương mại. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước là 140 tỷ 675 triệu đồng.

Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát

Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có chiều hướng gia tăng, Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội xác định, tiếp tục thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, đặc biệt tăng cường công tác chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là tại các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cũng yêu cầu lực lượng chức năng tập trung kiểm soát hoạt động vận chuyển trái phép các mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19, lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, kinh doanh hàng giả và các mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm... Đặc biệt chú trọng công tác quản lý tốt địa bàn; kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý hàng hóa, không niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết.

Tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn, thống kê và nắm bắt thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Qua đó lập kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tránh gây khó khăn, phiền hà và làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của đối tượng kiểm tra“- đại diện Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cho biết.

Đáng chú ý, cần gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực, mặt hàng mới nổi để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự tác hại của việc buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm để người dân biết, chủ động phòng tránh. Hướng dẫn và phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

Thu Phương
Bài viết cùng chủ đề: Buôn lậu

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Bổ nhiệm loạt lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường

Rùng mình với 5 tấn thực phẩm bẩn vừa bị phát hiện ở Thanh Hóa

Lâm Đồng chỉ đạo khẩn về công tác chống hàng giả

Vận chuyển trái phép tiền tệ, vàng qua biên giới gia tăng

Chiến dịch 'làm sạch' thị trường sữa, dược phẩm tại Thanh Hóa

Thủ đoạn mới cất giấu ma túy qua tuyến hàng không

Hà Nội: Tạm giữ gần 11 tấn thịt và nội tạng bò đông lạnh

Kiện toàn bộ máy Chi cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ

Hà Nội tạm giữ hơn 18 tấn gà đông lạnh không rõ nguồn gốc

Kiện toàn Ban chỉ đạo 389 các cấp sau sáp nhập tỉnh

Cục trưởng Trần Hữu Linh nêu thủ đoạn mới của đối tượng sản xuất sữa, thuốc giả

Sáp nhập tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn: Hợp lực để bứt phá

Hải quan siết chặt quản lý nhập khẩu khí N2O

Cảnh báo về ma túy Fentanyl, Hải quan siết chặt kiểm tra

Bắt giữ nhiều vụ buôn lậu qua tuyến hàng không

Quản lý thị trường Đà Nẵng tăng cường kiểm soát mặt hàng sữa

Từ mã QR đến lòng tin vào trái cây Việt Nam

Hàng giả ngập chợ Nhà Xanh, chủ hộ ‘né’ đăng ký kinh doanh

Tội phạm ma túy gia tăng, Hải quan lập 'hàng rào' kiểm soát

Kiểm tra mặt hàng sữa: Quản lý thị trường các địa phương nói gì?