Hà Nội: Dự kiến có 141 sản phẩm, dịch vụ đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” Hà Nội: Khai mạc Hội chợ hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích |
Sở Công Thương Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 4497/KH-SCT về phục vụ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn TP. Hà Nội. Kế hoạch nhằm tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành, cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Các đại biểu tham quan gian hàng tại Tuần hàng Việt TP. Hà Nội năm 2020 |
Theo Sở Công Thương Hà Nội, cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán 2021, hoạt động kinh doanh thương mại sẽ sôi động, nhu cầu mua sắm sẽ tăng từ 3 - 20% theo từng nhóm hàng. Cụ thể, nhu cầu thực phẩm ba tháng trước Tết, trong và sau Tết Nguyên đán ước khoảng 292.500 tấn gạo, 56.700 tấn thịt lợn, 18.900 tấn thịt gà, 18.459 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 315 nghìn tấn rau củ, 15.750 tấn thủy hải sản, 18.114 tấn thực phẩm chế biến, 156 nghìn tấn trái cây...
Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa, thực phẩm dịp Tết 2021, Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp cũng cần sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ nguồn cung đối với các nhóm hàng có nhu cầu tăng trong dịp Tết như: Nông sản khô (nhu cầu tăng từ 25 - 33% so với tháng thường); xăng dầu (nhu cầu tăng khoảng 20%); hoa, cây cảnh (nhu cầu tăng từ 25 - 35%)... Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội khoảng 39,4 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020.
Bên cạnh đó, nhằm đưa hàng Tết đến với người dân các huyện ngoại thành, xã miền núi, khu công nghiệp, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức 12 phiên chợ Việt, 300 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và người lao động.
Các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 455 chợ, và 11.382 trang web, sàn thương mại điện tử và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm.
Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội giới thiệu tới doanh nghiệp các tỉnh, thành đưa hàng về bán tại 28 điểm kinh doanh cố định do TP. Hà Nội bố trí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, người tiêu dùng tiếp cận đặc sản vùng miền bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đúng giá.
Hiện nay, diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp. Mặc dù Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, tuy nhiên trong dịp Tết 2021, hoạt động mua sắm hàng hoá tại các điểm kinh doanh thu hút đông người dân tham gia. Do vậy, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các đơn vị trên địa bàn căn cứ năng lực của mình và phương án số 3435/PA-SCT ngày 3/8/2020 của Sở Công Thương về đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo các cấp độ của Trung ương và TP nhằm ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn TP, các đơn vị cần chuẩn bị phương án đảm bảo hàng hoá sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn theo từng cấp độ.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương Hà Nội - cho hay, để bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch kích cầu tiêu dùng cuối năm trên cơ sở bám sát tình hình thị trường để tham mưu cho lãnh đạo TP. Ngoài ra, Hà Nội còn phối hợp với các địa phương đưa nguồn hàng các tỉnh, thành khác như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vào Hà Nội để vừa hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, lại đa dạng nguồn cung cho thị trường Thủ đô.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, Sở Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia phải bày bán hàng Việt Nam chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý; đề nghị các quận, huyện tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tổ chức tốt công tác dự trữ hàng hóa. Đồng thời yêu cầu Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra thị trường, chống vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, thực hiện các quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.