Sau vụ bánh mì Phượng, Quảng Nam yêu cầu tăng cường hơn nữa về bảo đảm an toàn thực phẩm Từ các vụ ngộ độc do mất an toàn thực phẩm: Đừng để đánh mất niềm tin |
Nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm
Thời gian qua, địa bàn TP. Hà Nội từ các quận, huyện, xã, phường đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nông sản, thực phẩm bán trên thị trường. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra và nhiều cơ sở vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Mới đây, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn TP. Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền ký.
Theo đó, nội dung kế hoạch nêu rõ quan điểm bảo đảm an ninh, chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản nhằm duy trì ổn định nguồn cung thực phẩm nông sản có chất lượng tốt phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người dân. Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền thuộc thành phố, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân.
TP. Hà Nội lên kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm dài hạn |
Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc theo chuẩn quốc gia và quốc tế, được thực hiện từ gốc, tại từng công đoạn và trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng nông sản.
Ngoài ra, huy động các nguồn lực xã hội nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản.
Hà Nội cũng sẽ tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản và các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Tiếp tục hoàn thiện, tham mưu Hội đồng nhân dân thành phố ban hành các cơ chế, chính sách về sản xuất nông nghiệp và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, đổi mới, chuẩn hóa, đẩy mạnh áp dụng biện pháp quản lý tiên tiến phù hợp tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Kế hoạch nhằm đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản để duy trì, ổn định nguồn cung thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân. Nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất tại Hà Nội, kiểm soát toàn diện chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản từ các tỉnh, thành trong cả nước và sản phẩm nông lâm thủy sản nhập khẩu đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2023-2025 phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận tương đương hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP tăng 10%/năm; phấn đấu 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm,…
Giai đoạn 2026-2030, duy trì diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP tăng 15%/năm; duy trì 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận tương đương hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 15%/năm,…
Để thực hiện được các mục tiêu trên, kế hoạch đề ra 7 nhóm giải pháp và một số nhiệm vụ chính như: Quy hoạch, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, quy mô lớn; nâng cấp hệ thống chợ đầu mối/trung tâm cung ứng, chợ bán lẻ nông lâm thủy sản, hoàn thiện chuỗi giá trị nông lâm thủy sản;
Đồng thời, triển khai hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở ứng dụng, tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; phát triển thị trường nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn; tăng cường năng lực thực thi chính sách pháp luật, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản.
An toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc
Ông Hà Tiến Nghi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cho biết, qua kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và kinh doanh thức ăn đường phố cho thấy, một số cơ sở sản xuất chưa thực hiện tự công bố sản phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm; sử dụng phụ gia, hóa chất chưa xuất trình được hồ sơ và nguồn gốc của các loại hóa chất đó cho cơ quan thanh tra, kiểm tra. Một số chủ cơ sở còn sắp xếp hàng hóa lộn xộn, để thức ăn chín xen lẫn với thức ăn tươi sống, chưa bảo đảm các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, hoạt động quảng cáo, kinh doanh online các mặt hàng thực phẩm diễn ra phức tạp, khó kiểm soát về nội dung quảng cáo, nguồn gốc, chất lượng thực phẩm. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng, nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao, nhất là sản phẩm bán tại chợ đầu mối, chợ dân sinh.
Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn các quận có diện tích nhỏ, hẹp. Thậm chí, nhiều cơ sở kinh doanh cùng một địa điểm, một số cơ sở kinh doanh không cố định, mở bán hàng vào buổi đêm, gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra cơ sở.
An toàn thực phẩm phải gắn với truy xuất nguồn gốc rõ ràng |
Ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, thời gian qua, các đoàn kiểm tra liên ngành của các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn đã tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm.
Các đoàn kiểm tra đã yêu cầu ban chỉ đạo quận, huyện, thị xã quan tâm đến các dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Chú trọng kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm được chế biến tại các nhà hàng, cửa hàng dịch vụ ăn uống để không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, phải xử lý theo đúng quy định; tuyệt đối không để các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường. Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương thuộc thành phố cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về công tác an toàn thực phẩm tại cơ sở, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng.
Ðối với người tiêu dùng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình.