Ảnh minh họa |
Sau 5 năm (2011- 2015) thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Hà Nội đã phát huy ngày càng tốt hơn vị thế, vai trò, trách nhiệm của Thủ đô, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của đất nước. Với quy mô diện tích bằng 1%, dân số gần bằng 8%, nhưng Hà Nội đóng góp 13,1% GDP và 16,5% tổng thu ngân sách của cả nước.
Theo UBND Thành phố Hà Nội, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, kinh tế Thủ đô duy trì tăng tưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 5 năm 2011-2015 tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô GRDP năm 2015 đạt 27,6 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người theo GRDP đạt 77 triệu đồng (khoảng 3.660 USD), gấp 2,1 lần so với năm 2010. Các ngành kinh tế phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 53,9%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41,7% và nông nghiệp 4,4%; các nhóm ngành trong cơ cấu kinh tế Thủ đô đều có mức tăng trưởng khá: Ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao, bình quân 5 năm tăng 9,97%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5,25%; nhập khẩu tăng 3,69%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế- xã hội của Thủ đô còn những mặt hạn chế như: Phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh; Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp; Trong số 20 chỉ tiêu chủ yếu, có 5 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; Chưa phát huy hết thế mạnh các nguồn lực về vốn, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động để tập trung cho đầu tư phát triển, đã ảnh hưởng tới tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Trong giai đoạn 2016- 2020, TP Hà Nội sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Kinh tế tăng trưởng cao hơn, cơ cấu chuyển dịch theo đúng định hướng: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý đô thị; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững....
Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020: 8,5-9,0%, trong đó: dịch vụ 7,8-8,3%, công nghiệp - xây dựng 10-10,5%, nông nghiệp 3,5- 4%; Cơ cấu kinh tế năm 2020: Dịch vụ 67-67,5%, công nghiệp - xây dựng 30-30,5%, nông nghiệp 2,5-3,0%; GRDP bình quân/người: 140-145 triệu đồng (khoảng 6.700-6.800 USD); Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020: khoảng 2.500-2.600 nghìn tỷ đồng ; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến năm 2020 đạt 90,1%...