Hà Giang thông xe khu vực sạt lở trên quốc lộ 2 tại Km49+500 ở huyện Bắc Quang Làm rõ việc 3 người trong một gia đình tử vong ở Hà Giang Sạt lở ở Hà Giang, hàng hóa thiết yếu vận chuyển ra sao? |
Thiệt hại hơn 36 tỷ đồng
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Giang, trận mưa lớn kéo dài từ đêm 29/9 đến trưa ngày 1/10 đã làm thương vong và mất tích 15 người; thiệt hại hàng trăm nhà ở và nhiều diện tích hoa màu, tài sản, đàn gia súc, gia cầm, thủy sản của nhân dân. Ước tính tổng thiệt hại hơn 36 tỷ đồng. Trong đó, huyện Bắc Quang là địa phương thiệt hại nặng nề nhất.
Tính đến trưa ngày 1/10, mưa lũ đã làm 3 người chết, 3 người mất tích, 9 người bị thương do sạt lở đất tại địa bàn huyện Bắc Quang. Toàn tỉnh Hà Giang có 348 nhà ở bị thiệt hại và 78 nhà ở trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Trong đó, có 10 nhà bị đổ sập hoàn toàn; 15 nhà bị thiệt hại 50% trở lên; 65 nhà bị đất, đá sạt lở, ngập úng, sụt lún; 195 nhà đã di dời khẩn cấp; 63 nhà cần phải di dời khẩn cấp. Phần lớn nhà ở bị thiệt hại là ở huyện Bắc Quang, tiếp đến là huyện Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Yên Minh. Diện tích lúa, ngô, hoa màu, cây lâm nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại là hơn 180 ha; gần 35 ha ao nuôi thủy sản, 316 con gia súc và hơn 4.000 con gia cầm bị nước lũ cuốn trôi, vùi lấp.
Mưa lũ, sạt lở đất tại Hà Giang đã làm 15 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng hơn 36 tỷ đồng. |
Bên cạnh đó, 2 công trình thủy lợi tại huyện Bắc Quang bị vùi lấp, gẫy đổ, hư hỏng nặng. Trên tuyến Quốc lộ 2, lý trình từ Km240+300 - Km240+450, đoạn qua xã Việt Vinh (Bắc Quang) sạt ta luy dương với khối lượng đất, đá sạt lở khoảng trên 20.000 m3, chiều dài đường khoảng 300m, giao thông vẫn bị ách tắc. Tuyến Tỉnh lộ 177 và Tỉnh lộ 178 có nhiều điểm sạt lở, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Ngoài ra, các tuyến đường huyện Bắc Quang, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Quản Bạ sạt lở ta luy dương nhiều vị trí.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp tỉnh, cấp huyện đã chủ động lực lượng, phương án sẵn sàng tiếp cận hiện trường các khu vực sạt lở đang cô lập; tổ chức kiểm tra, rà soát, cảnh báo những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, có nguy cơ mất an toàn; nghiêm cấm mọi phương tiện và người dân đi qua nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; khẩn trương di dời các hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao.Việc hỗ trợ kinh phí cho những gia đình có người bị chết; hỗ trợ và đưa những người bị thương đến cơ sở y tế cứu chữa; chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho các hộ nằm trong diện phải di dời tập trung được thực hiện kịp thời... Tỉnh cũng đã tăng cường lực lượng Công an, Quân đội, dân quân và các phương tiện, máy móc tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích, san gạt, vận chuyển đất, đá. Dự kiến Quốc lộ 2, đoạn qua xã Việt Vinh (Bắc Quang) sẽ được thông xe trong 2 - 3 ngày tiếp theo.
Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ 8 giờ ngày 1/10 đến 08 giờ ngày 2/10, khu vực các tỉnh Hà Giang đã có mưa vừa, mưa to đến rất to... Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh Hà Giang tiếp tục có mưa với lượng phổ biến từ 5-10mm, có nơi trên 20mm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, thời gian vừa qua, trên khu vực vùng núi các tỉnh Bắc Bộ đã liên tục có mưa lớn kéo dài, đất đá đã bão hòa, lũ trên các sông đã xuống nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sạt lở đất ngay cả khi không mưa.
Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đặc biệt tại các huyện: Quang Bình, Xín Mần.
Cảnh báo nguy cơ sạt lở, sụt lún đất và ngập úng có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện và phá hủy các công trình gây thiệt hại đến các hoạt động kinh tế-xã hội.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, tỉnh Hà Giang chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, chủ động các biện pháp ứng phó, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng, thấp thường xuyên xảy ra ngập úng để sẵn sàng phương án ứng phó; chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt.