“Mỏ vàng xanh” của núi rừng
Là tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang hiện có 19 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 90%. Đặc biệt, có 5 dân tộc thiểu số rất ít người (số dân dưới 10.000 người) gồm: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao.
Hà Giang: Nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số từ trà shan tuyết cổ thụ |
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đã quan tâm, triển khai hiệu quả các nguồn đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tỉnh Hà Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc thiểu số bình quân đạt trên 8%/năm; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm trở lên, các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%/năm; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới.
Đáng chú ý, thống kê cho thấy Hà Giang có gần 21 nghìn ha trà, trong đó hơn 70% diện tích là trà Shan Tuyết cổ thụ. Ðây là “mỏ vàng xanh” của núi rừng bởi trà Shan Tuyết sinh sống trên núi cao, môi trường đất, nước, không khí trong lành. Từ bản chất trà Shan Tuyết là sạch, đó là sự khác biệt đối với các vùng trà trong nước nên Hà Giang xác định hướng đi bền vững cho cây trà là phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm bằng hình thức sản xuất trà an toàn, chè hữu cơ.
Việc phát triển sản phẩm trà Shan Tuyết gắn với việc cải thiện cuộc sống ở đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp quan trọng tại vùng cao biên giới Hà Giang.
Theo đó, để hình thành chuỗi giá trị trà, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Hà Giang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đối với cây trà với số vốn đầu tư hơn 56 tỷ đồng. Trong đó, tập trung cấp Giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP cho gần 12 nghìn ha (chiếm 57%). Hình thành mối liên kết giữa gần 10 nghìn hộ trồng trà riêng lẻ với 40 cơ sở sản xuất trà VietGAP, 23 doanh nghiệp, HTX chế biến để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và chế biến trà hữu cơ.
Tỉnh được công nhận chỉ dẫn địa lý “Trà Shan tuyết Hà Giang” cho gần 17 nghìn ha (chiếm 80,9%) chè. Để bảo tồn nguồn gen quý, nâng cao giá trị trà Shan tuyết cổ thụ, cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Giang triển khai đồng bộ các giải pháp quy hoạch, bảo tồn, phát triển bền vững vùng nguyên liệu sản xuất trà Shan Tuyết gắn với phát triển du lịch, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Trong đó, thực hiện đồng bộ giải pháp về giống, quy trình kỹ thuật, chế biến và thị trường tiêu thụ, đưa các sản phẩm trà Shan tuyết trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc sản của thành phố, có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Gắn việc trồng, bảo vệ và phát triển vùng trà Shan Tuyết với xây dựng các mô hình du lịch sinh thái tại những vườn chè cổ thụ để phục vụ du khách tham quan, khám phá, tìm hiểu về cây trà Shan Tuyết cổ thụ cũng như nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân tộc Dao...
Cần thêm hỗ trợ chính sách
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển sản phẩm trà Shan Tuyết thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn và vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Nếu không có cách làm bài bản thì trà Shan tuyết ở tỉnh Hà Giang sẽ không tiếp cận tới nhiều người dùng, dần dần bị mai một.
Cụ thể, trên đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 1.500m - 2.000m so với mặt nước biển, người dân muốn hái được những búp trà Shan Tuyết phải đi bộ mất 2 tiếng đồng hồ. Toàn tỉnh Hà Giang, hiện sở hữu tới 15 nghìn ha trà Shan Tuyết nhưng phần lớn diện tích này nằm trên vùng sâu vùng xa, hạ tầng giao thông khó khăn nên việc khai thác nguyên liệu chè này không phải dễ.
Chính khó khăn về địa hình và hạ tầng giao thông đã làm cho việc thâm canh tăng năng suất loại chè gặp khó. Hiện năng suất chè ở đây chỉ đạt gần 49 tạ/ha ở mức thấp so với cả nước. Khó khăn vì cây chè phân bố độ cao 1.000m và phân tán nên việc phát triển hạ tầng phục vụ ngành trà, đặc biệt hạ tầng về giao thông nên khó khăn.
Trong khi đó, trà Shan Tuyết chủ yếu mới chỉ được người dân thu hái, bán ở dạng thô giá trị kinh tế chưa cao. Nguyên nhân sâu xa cũng là do thiếu những doanh nghiệp lớn đầu ngành đầu tư bảo tồn phát triển từ vùng nguyên liệu, thiếu những HTX để liên kết sản xuất quy mô lớn, đến công nghệ chế biến ra sản phẩm trà cuối cùng, hình thành nên các chuỗi liên kết kinh tế chè.
Một lạng trà Shan Tuyết có giá hơn 1 triệu đồng, gấp 22 lần một lạng chè búp thông thường. Tuy nhiên, để khai thác được giá trị của dòng trà Shan Tuyết đặc sản này còn nhiều việc phải làm từ đầu tư hạ tầng, công nghệ chế biến, xây dựng chuỗi liên kết đồng bộ tại chính vùng nguyên liệu.
Trước những khó khăn đó, tỉnh Hà Giang đang đẩy mạnh phát về thị trường và cơ sở sản xuất chế biến, việc HTX tham gia Chương trình OCOP có thể xem là bước ngoặt lớn để hoàn thiện và phát triển hơn nữa sản phẩm trà. Sản phẩm không còn đơn thuần là thức uống quen thuộc của người tiêu dùng mà bên trong còn mang theo câu chuyện lịch sử lâu đời của những cây trà Shan tuyết cổ thụ Hà Giang.
Tham gia Chương trình OCOP, đây là chương trình hết sức đúng đắn phù hợp trong triển khai phát triển sản phẩm hàng hóa ở Việt Nam. Đồng thời, chương trình góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trong đó người nông dân, doanh nghiệp nhỏ, HTX được tiếp cận đào tạo kiến thức sản xuất sản phẩm, vừa tăng giá trị sản phẩm thông qua xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời, với Hà Giang - một tỉnh vùng cao khó khăn, để sản phẩm trà Shan Tuyết tiếp tục vươn xa, tiêu thụ trong nước và nước ngoài, trong giai đoạn tới cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Cụ thể, Nhà nước cần có sự hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đi lại, điện, đường... bởi vì điều này sẽ quyết định để nhà đầu tư sản xuất, để sản phẩm đặc sản trở thành sản phẩm hàng hoá công nghiệp địa phương.
Bên cạnh đó, cần có chính sách giúp bà con nông dân, vùng đồng bào vùng sâu vùng xa có quy hoạch vùng nguyên liệu trồng sản phẩm thì cần hỗ trợ giống, kỹ thuật, tìm kiếm thị trường, công nghệ.
Địa phương cũng cần thêm các chính sách để người dân liên kết với nhau trong các tổ hợp tác, HTX và các cơ sở chế biến tiếp cận với nguồn vốn để xây dựng và duy trì vùng nguyên liệu sạch, đổi mới công nghệ chế biến, mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, cũng cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến chè quy mô lớn. Các doanh nghiệp sẽ liên kết trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các mô hình tổ hợp tác, HTX.
Tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, tại 5 thôn vùng cao có 2.000 cây trà Shan Tuyết cổ thụ được công nhận là cây di sản; sản xuất, chế biến chè theo hướng thâm canh, hữu cơ và có từ 3 – 5 sản phẩm đặc sản của trà. Phấn đấu có từ 25 – 30 hộ làm du lịch homestay; thu hút khách du lịch đến tham quan theo loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông thôn đạt 10.000 người/năm, lưu trú tại địa bàn đạt 3.000 người/năm, tạo doanh thu từ 3 – 5 tỷ đồng/năm. |