Đến sáng 11/9, huyện Quang Bình là địa phương phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất trên địa bàn tỉnh, với tổng thiệt hại ước khoảng 38 tỷ đồng. Mưa to đến rất to khiến nhiều nơi có nguy cơ sạt lở đất ở mức độ rất cao, quy mô rất lớn. Trước tình hình trên, huyện đã kịp thời di dời 72 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Trong đợt mưa lũ lần này, huyện Quang Bình có 228 nhà ở bị thiệt hại, trong đó, có 9 nhà ở của người dân bị lũ quét, cuốn trôi, vùi lấp hoàn toàn và hàng chục ngôi nhà bị sạt lở đất, đá.
Đối diện trước tình hình một số khu vực đồi núi tiếp tục có nguy cao sạt lở trên diện rộng, huyện đã khẩn trương chỉ đạo, tiến hành ngay công tác tổ chức di dời 33 hộ dân tại thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành; 38 hộ dân thôn Tiến Yên, xã Bằng Lang và 1 hộ dân thôn Yên Ngoan, xã Tiên Yên đến nơi an toàn.
Trước mắt, các xã đã bố trí, sắp xếp cho bà con ở tạm các điểm trường, nhà văn hóa hoặc đến nhà người thân. Từ huyện đến xã và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ những suất ăn miễn phí, đồ dùng, nhu yếu phẩm cần thiết cho các gia đình.
Sạt lở đất, đá tại thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành (Quang Bình) làm 5 nhà bị vùi lấp, nhiều hộ có nguy cơ mất nhà. Ảnh: CTV |
Hiện tại, nhiều tuyến đường giao thông đã bị phá hủy, xe máy, ô tô không thể lưu thông, gây chia cắt, cô lập nhiều xã như: Nà Khương, Bản Rịa, Bằng Lang,Yên Hà, Tiên Yên, Vĩ Thượng, Xuân Giang.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của huyện và các xã, thị trấn duy trì 100% quân số, thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng tham gia hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Ngoài ra, từ ngày 8/9 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Giang xuất hiện mưa lớn kéo dài liên tục, cùng với đó các thủy điện Thái An, Thuận Hòa, Sông Miện 5 tiến hành xả lũ. Do đó, mực nước sông Lô dâng cao đã xuất hiện nhiều điểm ngập úng cục bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và một số điểm ngập úng cục bộ trên địa bàn thành phố Hà Giang.
Qua kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ những khó khăn, thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với bà con vùng ngập úng cục bộ. Đồng thời đánh giá cao công tác chủ động ứng phó với thiên tai của các sở, ngành và Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai thành phố.
Tuyến đường vào trung tâm xã Nà Khương (Quang Bình) bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Mộc Lan |
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ngành, lãnh đạo thành phố Hà Giang cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giúp người dân nắm chắc tình hình, chủ động phòng tránh thiên tai. Cấp ủy, chính quyền các địa phương chủ động phương án “4 tại chỗ” giúp dân di chuyển đồ đạc, cảnh báo những điểm ngập sâu và huy động lực lượng đảm bảo an toàn cho người dân. Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai các cấp thực hiện nghiêm công tác ứng trực, theo dõi tình hình, nắm địa bàn, thông tin, báo cáo kịp thời tình hình mưa lũ cho nhân dân.
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tại (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, các địa phương đã thống kê một số thiệt hại tính đến 9 giờ ngày 11/9/2024, có 201 người tử vong, mất tích (trong đó 143 người tử vong, 58 người mất tích).
Một số địa phương có số người tử vong và mất tích nhiều như: Lào Cai: 66 người (45 người tử vong, 21 người mất tích); Cao Bằng: 52 người tại huyện Nguyên Bình (29 người tử vong, 23 người mất tích); Yên Bái: 40 người do sạt lở đất (37 người tử vong, 3 người mất tích); Quảng Ninh 13 người tử vong (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người); Phú Thọ: 9 người (8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người tử vong do sạt lở đất); Hòa Bình: 5 người tử vong do sạt lở đất; Lạng Sơn: 3 người tử vong do lũ cuốn, sạt lở đất; Hà Giang: 2 người (1 người tử vong; 1 người mất tích)…