Hạ tầng giao thông, du lịch - động lực đưa Hà Giang phát triển Hà Giang: Khai mạc Festival Khèn Mông và Lễ hội văn hóa ẩm thực ba miền |
Ông Trần Đức Quý- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Hà Giang là tỉnh có nhiều thuận lợi trong phát triển du lịch, giàu tiềm năng và tài nguyên văn hóa, trong đó ẩm thực địa phương là một thế mạnh cần được phát huy.
Sự đa dạng về văn hóa dân tộc và được thiên nhiên ưu đãi về sản vật đã làm cho con người Hà Giang sáng tạo nên kho tàng văn hóa ẩm thực phong phú và hấp dẫn, nhiều món ăn hiện đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh vào Top 100 món ăn đặc sản và quà tặng 63 tỉnh, thành như: cháo Ấu tẩu, Mèn mén - Mật ong Bạc Hà, Chè shan tuyết Hoàng Su Phì; Các sản phẩm ẩm thực khác được chế biến sâu từ một số nguyên liệu đặc trưng của đại phương như Phở Ngô, sản phẩm chế biến từ Tam Giác mạch..vv.
Hà Giang vinh dự được đề cử Điểm đến du lịch mới nổi lần thứ 30 của khu vực châu Á và châu Đại Dương |
Với chủ trương “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa”, thời gian qua, Hà Giang đã tăng cường công tác trùng tu, tu bổ và tôn tạo các công trình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phục dựng đã và đang được phát huy trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Đặc biệt nhiều chương trình khảo sát các tour- tuyến, sản phẩm du lịch mới đã được Hà Giang triển khai với sự tham gia của đại điện các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch, các Hiệp hội, Câu lạc bộ du lịch trong và ngoài nước.
Để xây dựng được những sản phẩm du lịch, tour- tuyến có chất lượng, ngày 23/4, tại TP. Hà Giang, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức Tọa đàm xây dựng sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm tinh hoa ẩm thực Hà Giang. Sự kiện có sự tham gia của 60 đại diện doanh nghiệp, Câu lạc bộ lữ hành, Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam; Châu Văn Sơn- Huyện Nam Ninh (Trung Quốc) cùng Lãnh đạo và đại diện của 14 tỉnh, thành phố trên cả nước. Sự kiện được tổ chức nhằm lấy ý kiến từ các đơn vị du lịch, lữ hành tham gia khảo sát tuyến du lịch mới của Hà Giang (tuyến số 4) cũng như mức phí dự kiến được tỉnh đưa ra đối với du khách đến Hà Giang.
Đoàn khảo sát tuyến số 4 hát quốc ca tại Cột cờ Lũng Cú |
Theo đó, tuyến số 4 gồm 14 điểm, các cụm di sản địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên phong phú đa dạng có đầy đủ các loại hình di sản đặc sắc, tuyến đường sẽ từ Thành phố Hà Giang đi Bắc Mê đến Du Già (Yên Minh) về Lũng Cú (Đồng Văn), Mèo Vạc rồi từ Đồng Văn về Thành phố Hà Giang theo tuyến đường truyền thống với các điểm dừng chân: Làng nghề Truyền thống người Dao Sủng Máng; người Hoa Lũng Phìn; Cua chữ M, Rừng chè San tuyết cổ thụ Ngan La; Hang Nà Luông – Nơi dòng sông ra đời, Đồn Pháp Đường Thượng; Điểm dừng chân Thác núi Ba Tiên….
Góp ý tại Tọa đàm, ông Bùi Việt Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng, Hà Giang nên tận dụng những sản phẩm ẩm thực từ Tam giác mạch đây là nét độc đáo riêng có của Hà Giang.
“Chúng tôi đã được thưởng thức bia làm từ Tam Giác mạch và chúng tôi rất thích, Hà Giang hoàn toàn có thể phát triển mạnh sản phẩm này đây là sản phẩm rất độc đáo mà chỉ du khách đến Hà Giang mới có thể được thưởng thức, sản phẩm chắc chắn sẽ góp phần tạo giá trị gia tăng cho địa phương. Bên cạnh đó, giá cả các dịch vụ lưu trú, ăn uống, check-in tại các điểm du lịch của Hà Giang rất hợp lý, điều này đã thể hiện tốt công tác quản lý của chính quyền địa phương”- ông Hoàng đánh giá.
Ông Nguyễn Công Khương góp ý tại Tọa đàm |
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Công Khương- Công ty Cổ phần du lịch Nam Định chia sẻ: “Tuyến số 4 có cảnh quan rất đẹp, hoang sơ, sản phẩm du lịch độc đáo. Tuy nhiên, đường xá còn khó khăn, còn thiếu nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách tại điểm dừng chân. Đặc biệt cần tuyên truyền giáo dục về an toàn giao thông cho người dân địa phương cũng như những đoàn Phượt”.
Nói về văn hóa, ẩm thực trong du lịch, ông Matsuo Tomoyuki - Chủ tịch ẩm thực Hiệp hội ẩm thực Nhật Bản- Việt Nam chia sẻ: "Năm 2014 tôi đã đến Hà Giang và bắt đầu thử nghiệm với các sản phẩm từ Tam Giác mạch. Ở Nhật Bản người Nhật đã ăn mì Soba (được làm từ Tam Giác mạch) đây là sản phẩm rất tốt cho sức khỏe. Chúng tôi luôn kết hợp về thức ăn, văn hóa, môi trường để tạo ra ẩm thực. Năm 2023 tôi đã mang Tam Giác mạch của Hà Giang sang Nhật Bản để trưng bày, người dân Nhật Bản rất bất ngờ và hứng thú. Tại mỗi bao Tam Giác mạch đều có mã QR, khi khách hàng sử dụng điện thoại quét QR thì sẽ hiện lên trang web quảng bá hình ảnh con người văn hóa ẩm thực của Hà Giang".
Ông Matsuo Tomoyuki góp ý về xây dựng sản phẩm du lịch |
Ông Matsuo Tomoyuki cho rằng, quảng bá về văn hóa, du lịch thì nên quảng bá bằng ẩm thực, vì nhu cầu của con người thông thường ai cũng ăn 3 bữa /ngày. Để quảng bá cần minh bạch trong mọi vấn đề, chúng ta cần giữ gìn môi trường sạch sẽ và cần giáo dục ngay từ bây giờ, các nguyên liệu để làm món ăn cũng cần được đảm bảo sản xuất sạch, nuôi/trồng hữu cơ hoặc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
“Từ Tam giác mạch chúng tôi có thể làm được 50 món ăn và du khách đến Hà Giang sẽ được trải nghiệm những món ăn đó, tuy nhiên nếu không được như quảng cáo thì du khách sẽ thất vọng. Do vậy yếu tố sạch, xanh và đảm bảo an toàn thực phẩm hết sức quan trọng”- ông Matsuo Tomoyuki chia sẻ.
Cũng theo ông Matsuo Tomoyuki: Rác thải bừa bãi cũng là một vấn đề, Nhật Bản cũng có hình thức quảng bá du lịch để giữ gìn môi trường, vệ sinh chung và Hà Giang cũng có thể làm điều tương tự. Quà lưu niệm, Hà Giang có thể phát triển các sản phẩm làm từ Tam Giác mạch. Tại Nhật Bản, chúng tôi chú trọng vào số lượng khách hàng có thể mua. Ví dụ như sản phẩm Trà sẽ thu hút được lượng lớn khách mua làm quà và đồng thời cũng có thể bán lên sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Lê Phúc đề nghị Hà Giang cần đảm bảo an toàn thực phẩm và cảnh quan môi trường trong phát triển du lịch |
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Ngành du lịch trước đại dịch Covid-19 luôn tăng trưởng 2 con số là ngành kinh tế mũi nhon. Chúng tôi kỳ vọng du lịch Hà Giang sẽ góp phần vào thành công của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2023 và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, Hà Giang nên tận dụng tài nguyên địa lý, văn hóa ẩm thực để phát triển sản phẩm mới, du khách có thể tham gia vào các tour sản phẩm trải nghiệm tinh hoa ẩm thực, chợ đêm… Hà Giang cũng cần có đầu tư đúng mức để đảm bảo du lịch văn hóa ẩm thực đảm bảo 2 yếu tố: Vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ cảnh quan môi trường.
Tại Tọa đàm, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã lấy ý kiến về mức thu phí thăm quan với các phương án được đề xuất mức thu từ 20.000 đồng – 40.000 đồng/ đêm. Nguồn phí này sẽ được phục vụ để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm mới; vệ sinh môi trường…
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng mức phí thăm quan, bà Nguyễn Huyền Anh – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: Là địa phương có nguồn thu từ phí thăm quan mỗi năm khoảng 2.000 tỷ đồng. Hiện Quảng Ninh đang thu phí thăm quan tại 3 điểm: Khu Danh thắng Yên Tử, Vịnh Hạ Long và Bảo tảng Tỉnh Quảng Ninh. Khi thu phí, Sở Du lịch đều làm đề án và xin ý kiến của các đối tượng bi tác động, nghiên cứu trên cơ sở quy định về phí, lệ phí, các Luật quy định đối với các đối tượng như: Người cao tuổi, trẻ em…Thu phí cũng chia ra các tuyến/ đối tượng/tour: Khách thăm quan ban ngày sẽ có mức thu khác với du khách lưu trú qua đêm (Vịnh Hạ Long); quy định mức thu với các tuyến du lịch khác nhau, các đối tượng khác nhau (như người già, trẻ em…).
Toàn cảnh Tọa đàm |
Tiếp thu ý kiến từ các doanh nghiệp, đại diện UBND huyện Yên Minh cho biết: địa phương đã xây dựng được 9 điểm dừng chân, tăng cường trồng loại hoa, cây xanh tại các tuyến đường/ điểm du lịch. Dự kiến trong tháng 5/2023, huyện sẽ tổ chức Ngày hội không gian văn hóa, bay Khinh khí cầu tại Du Già và ra mắt con đường du lịch mới của Tuyến số 4. Đồng thời sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch để tổ chức Hội thảo cấp huyện để hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ, du lịch để làm sao phục vụ khách du lịch tốt nhất.
Tại Tọa đàm, thay mặt UBND tỉnh Hà Giang, ông Trần Đức Quý đã tiếp thu các ý kiến góp ý, chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp, hiệp hội, các nghệ nhân ẩm thực và các cơ quan quản lý du lịch của các tỉnh, thành. Đồng thời, Phó Chủ tịch Trần Đức Quý cũng đã chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp để tạo dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, bố trí các hoạt động dịch vụ tại các điểm đến hợp lý hơn, tìm kiếm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc tại điểm đến để xây dựng thành các sản phẩm du lịch phục vụ du khách, đảm bảo cảnh quan môi trường, an toàn thực phẩm, sản phẩm du lịch thực sự phải đáp ứng nhu cầu của khách….
Buổi Tọa đàm đã được lắng nghe nhiều ý kiến phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm, định hướng phát triển từ phía các đại biểu, doanh nghiệp đã phần nào giúp cho tỉnh Hà Giang có định hướng mới trong việc đề ra các giải pháp, lộ trình phù hợp trong từng giai đoạn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực, thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng chất lượng, chuyên nghiệp.
Các đại biểu đã thực hiện nghi thức kích hoạt công bố sản phẩm du lịch tuyến số 4 mang tên "Hành trình đến với Tương lai xanh". |
Nhân dịp này, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố sản phẩm du lịch mới, tuyến du lịch số 4 mang tên " Hành trình đến với Tương lai xanh"
Với chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, quảng bá hình ảnh... Hà Giang còn đặc biệt chú trọng việc tạo ra sinh kế cho người dân từ du lịch. Tỉnh đã đẩy mạnh việc triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, hợp tác phát triển du lịch, chương trình tài trợ, hỗ trợ phát triển làng nghề; nhiều người được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thuyết minh viên du lịch, thống kê du lịch, quản lý nhà hàng, khách sạn, lớp du lịch cộng đồng, nấu ăn... tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Phát triển du lịch trở thành nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; là khâu đột phá trong phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Ngày 2/8/2021, BCH Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025. Nghị quyết khẳng định: Phát triển du lịch phải phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững, phát huy văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc bản địa Năm 2022, ngay sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, Hà Giang đã bứt phá tăng tốc phát triển đạt 7,8%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 5% so với năm 2021; chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh tăng 18 bậc so với năm 2021, đứng thứ 41 tỉnh/ thành trong cả nước. |