Dự thảo Luật Thủ đô: Cần cân chỉnh lại việc xây dựng các công trình ven sông Bộ Công Thương gửi thẩm định dự thảo Luật Điện lực sửa đổi |
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang được Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) xây dựng gồm 117 Điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương và 31 Điều so với Luật Khoáng sản năm 2010.
Tại Tờ trình Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản gửi Quốc hội vào tháng 4/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản. Cụ thể, sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực từ 1/7/2011, hệ thống văn bản về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật Khoáng sản đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản |
Trên cơ sở đó, tại Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 27/9/2022, Chính phủ đã thống nhất với 5 chính sách được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi), bao gồm: Chính sách về tài nguyên địa chất, dữ liệu địa chất, khoáng sản; Hoàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản, chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; Hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; Hoàn thiên chính sách tài chính về địa chất và khoáng sản. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thống nhất với đề xuất đổi tên dự án Luật thành Luật Địa chất và Khoáng sản.
Tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sảng do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức vào chiều 14/6, ông Nguyễn Hữu Thập - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho rằng: Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản về cơ bản đã khắc phục được những tồn tại của Luật khoáng sản năm 2010, “nhưng còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, dễ gây hiểu lầm”.
Trên cơ sở đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho rằng, tại Điều 3, mục 19: “Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm đưa khoáng sản ra khỏi nơi tạo thành tự nhiên, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, chế biến khoáng sản và các hoạt động khác có liên quan trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản”, để tránh hiểu lầm, ông Nguyễn Hữu Thập kiến nghị nên bỏ từ “chế biến khoán sản” thêm vào Điều 19, mục 20.
Khai thác khoáng sản (Ảnh minh họa) |
Góp ý cho Dự thảo, TS Lê Ái Thụ - Chủ tịch Hội Địa chất và Khoáng sản cho rằng: Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã phần nào thể hiện được những mong muốn đổi mới trong các quy định, nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội theo xu hướng mới, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các quy định trong bản Dự thảo cũng bộc lộ những nội dung cần được hoàn chỉnh hơn nữa. Cụ thể, một số quy định về quản lý hoạt động khoáng sản nói chung về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa đáp ứng được quy định tại khoản 1 Điều 4 của Dự thảo luật.
Nhận xét cụ thể về các điều khoản, TS Lê Ái Thụ lấy dẫn chứng quy định về phân nhóm khoáng sản tại Điều 7. “Việc phân nhóm khoáng sản theo quy đinh tại Điều 7 của Dự thảo luật theo tôi cần xem xét lại, theo cách phân nhóm như Dự thảo luật sẽ khó triển khai vào thực tiễn. Trong thực tế có những loại khoáng sản vừa thuộc nhóm I vừa thuộc nhóm II và cũng thuộc nhóm III và có thể cả nhóm IV, ví dụ khoáng sản caolin, đá vôi…” – TS Lê Ái Thụ thông tin và cho rằng, việc quy định thiếu đồng bộ sẽ dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn, bởi theo quy định hiện hành, sét để sản xuất gạch ngói thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh. Còn theo quy định tại Điều 7 của Dự thảo luật, có thể hiểu sét để sản xuất gạch ngói thuộc nhóm II.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Ba – Thành viên Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam cũng góp ý liên quan đến khoản 1, Điều 51 Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản quy định: “Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản được ưu tiên nộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với trữ lượng khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trong thời gian 36 tháng, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản” đề nghị sửa đổi lại thành: “Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản được ưu tiên cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với trữ lượng khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận”.
Lý do sửa đổi được ông Nguyễn Xuân Ba đưa ra là, thứ nhất, tại Điều 42 và Điều 45 của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 quy định: “Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản được ưu tiên cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đối với trữ lượng khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt …”.
Như vậy, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã hạ thấp mức độ ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản (đặc biệt là các tổ chức, cá nhân đã thăm dò khoáng sản theo quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010), dẫn đến ảnh hưởng đến lợi ích của các tổ chức, cá nhân này. Đề nghị giữ nguyên mức độ ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản như quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010.
Thứ hai, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản, theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Luật Khoáng sản năm 2010 bao gồm: Giấy chứng nhận đầu tư, Dự án đầu tư khai thác khoáng sản, Báo cáo đánh giá tác động môi trường … Việc lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt các hồ sơ trên của chủ đầu tư và các cơ quan nhà mước mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, có những loại khoáng sản sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò, theo chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ phải chờ kết quả thực hiện các dự án thí điểm mới cho triển khai các dự án tiếp theo (như khoáng sản bauxit), dẫn đến chưa thể lập hồ sơ xin cấp phép khai thác cho khu vực đã thăm dò trong thời hạn 36 tháng.