Góp ý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Thêm cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư vào ngành dầu khí
Tin hoạt động 03/08/2022 15:14
Đây là một trong những đề xuất được đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi do Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 3/8 tại TP. Hồ Chí Minh.
Góp ý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), bà Huỳnh Thị Phúc - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết: Hiện nay hoạt động ngành dầu khí có 3 giai đoạn gồm thượng nguồn (thăm dò, khai thác), trung nguồn (sản xuất) và hạ nguồn (thương mại). Tuy nhiên, hiện nay Luật Dầu khí mới chỉ tập trung vào hoạt động điều tra cơ bản và khai thác, thăm dò dầu khí, chưa đề cập đến nội dung về công nghiệp sản xuất, lọc hóa dầu. Trong khi đó, Nghị quyết 55-NQ/TW có đề cập đến và ưu tiên phát triển những lĩnh vực này. Do vậy cần luật hóa 2 nội dung này vào Dự thảo luật.
Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung nguồn nguyên liệu mới, vì năng lượng tự nhiên và dầu mỏ là hữu hạn, sẽ dần cạn kiệt. Chính vì vậy, trong luật lần này cần xem xét bổ sung nội dung về chuyển giao khoa học công nghệ.
Ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - cho rằng: Cần cân nhắc, bổ sung chính sách ưu đãi, chẳng hạn như bổ sung thêm khoản trường hợp kết thúc giai đoạn tìm kiếm thăm dò, nhà đầu tư thấy cần ưu đãi cao hơn để chuyển sang giai đoạn khai thác, nhà đầu tư sẽ trình hồ sơ xin thay đổi, Bộ Công Thương thẩm định. “Nếu bổ sung điểm này, luật ra đời sẽ thể hiện tính bao quát, ưu đãi cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích”, ông Nguyễn Quốc Thập bày tỏ.
Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại Hội nghị |
Theo ông Nguyễn Quốc Thập, dự thảo luật cần đề cập tới đặc thù riêng cho doanh nghiệp thăm dò, khai thác dầu khí, như vậy sẽ phản ánh đúng tình hình, không cản trở vì thủ tục hành chính làm phát sinh chi phí cho nhà đầu tư. Mặt khác, trong hoạt động khai thác có tình huống khai thác tận thu, nhưng dự thảo chưa có khái niệm “khai thác tận thu, khai thác vét”, trong khi thực tế đang có một số mỏ khai thác vét, tận thu. Như vậy cần bổ sung đây là đối tượng của luật.
Tiếp thu, giải trình các ý kiến về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An - cho biết: Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được rà soát, hoàn thiện nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước tại các Nghị quyết số 41-NQ/TW, số 36-NQ/TW và số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị; bảo đảm sự thống nhất, tương thích, đồng bộ của dự án Luật này với hệ thống pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.
Qua ý kiến của các đại biểu, nhiều vấn đề đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và bổ sung như: về áp dụng Luật Dầu khí và các luật có liên quan; điều tra cơ bản về dầu khí; lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí; hoạt đồng dầu khí, về ưu đãi trong hoạt động dầu khí; chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); quản lý nhà nước về dầu khí...
Thứ trưởng Đặng Hoàng An phát biểu tại Hội nghị |
Tuy nhiên, Luật Dầu khí (sửa đổi) không thể thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Theo đó, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) được thiết kế theo hướng chỉ quy định các nội dung đặc thù, chuyên ngành đối với điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; các nội dung khác (không có tính đặc thù) thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Riêng về kiến nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, Thứ trưởng Đặng Hoàng An thông tin cơ quan chủ trì soạn thảo không điều chỉnh hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn.
Lý giải về nguyên nhân không điều chỉnh hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn này Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, hoạt động dầu khí thượng nguồn mới có những đặc thù cần thiết phải quy định trong Luật chuyên ngành (thực tế đang được quy định tại Luật Dầu khí hiện hành).
Trong khi đó, các hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn (bao gồm vận chuyển, xử lý, chế biến dầu khí) hiện nay đang được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai,…; trong quá trình triển khai cơ bản không gặp vướng mắc, không cần quy định trong Luật chuyên ngành.
Đối với các dự án theo chuỗi là những trường hợp rất đặc thù, phải xây dựng một chuỗi các hạng mục công trình đồng bộ để phát triển mỏ, khai thác sản phẩm dầu khí thượng nguồn, vận chuyển về bờ, xử lý chất lượng sản phẩm dầu thô và khí thiên nhiên trước khi xuất bán thương mại cho các hộ tiêu thụ được thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Dầu khí. Việc này nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về thời gian và tiến độ, nâng cao hiệu quả kinh tế, khuyến khích các nhà thầu bỏ vốn đầu tư lớn để thực hiện các dự án thành phần liên quan mật thiết với nhau. “Về nội dung này, trên cơ sở ý kiến của vị đại biểu Quốc hội tại Hội thảo, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với Cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục hoàn thiện, báo cáo Chính phủ thông qua để trình Quốc hội”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, Luật Dầu khí là dự án luật khó, tuy có chưa đến 70 điều nhưng đều là các điều, khoản quy định về chính sách đầu tư dầu khí. Luật Dầu khí hiện hành đã được ban hành từ 1993, tới nay là 30 năm mới được sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, Luật Dầu khí cần được sửa đổi toàn diện, không chỉ về nội dung chính sách phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, mà còn về kỹ thuật luật pháp mới, bảo đảm 6 yêu cầu chủ yếu.
Một là, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về “định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Hai là, tăng cường tính minh bạch, hướng tới phát triển bền vững ngành dầu khí, đặc biệt trong điều kiện lợi thế cạnh tranh của nhiên liệu hóa thạch đang bị suy giảm theo thời gian.
Ba là, đổi mới cách tiếp cận, bảo đảm Luật Dầu khí là luật chuyên ngành về đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Bốn là, thống nhất nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng Luật là phát triển ngành dầu khí để phát triển kinh tế nhưng gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển và phù hợp với luật pháp quốc tế; bảo đảm an toàn cho người, tài sản, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư khi tham gia điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Năm là, thực hiện cải cách theo hướng hiệu lực, hiệu quả, phân cấp, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan, trong đó, phát huy vai trò của Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí; quy định cụ thể chức năng và cơ chế giám sát, kiểm tra của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với việc sử dụng vốn nhà nước tại PVN và các đơn vị thành viên; làm rõ vai trò của PVN với tư cách là nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng khí và với tư cách thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ.
Sáu là, xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về dầu khí; cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; có cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành dầu khí và quy định cụ thể trong Luật Dầu khí để thống nhất áp dụng; hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng theo Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.