Thư ngỏ không nhận hoa, quà ngày 20/11: Đừng hiểu sai và làm mất ý nghĩa ngày tri ân thầy cô VinFast tặng quà tri ân thầy cô đón mừng ngày Nhà giáo |
Mới đây, mạng xã hội và dư luận xôn xao về việc phụ huynh của học sinh khối 9 một trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội kêu gọi "góp" gần 200 triệu tổ chức lễ chia tay và tri ân thầy cô trong dịp cuối cấp. Việc "góp" tiền này được ban đại diện hội phụ huynh các lớp khối 9 thống nhất, với phương án mỗi học sinh đóng góp 1.004.000 đồng cho hoạt động tri ân và chia tay nhà trường.
Được biết, trong trường có 4 khối lớp 9 với tổng 185 học sinh, nếu tất cả đóng góp sẽ là 185,9 triệu đồng và dự chi cho các với hoạt động như dịch vụ âm thanh ánh sáng, trang trí check in hết 32,9 triệu đồng; MC chương trình, quay phim, chụp ảnh dự chi 10,3 triệu đồng; 40 mâm cỗ tổng 44 triệu đồng, "tặng phẩm" nhà trường 20 triệu đồng...
Với việc đóng góp cho các hoạt động như trên, nhiều phụ huynh cho rằng là không phù hợp, bởi số tiền trên không phải là nhỏ với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bên cạnh đó việc chi gần 200 triệu đồng cho một sự kiện là quá lãng phí.
"Tôn sư trọng đạo" vốn dĩ là truyền thống tốt đẹp của người Việt, việc tri ân thầy cô cũng là chuyện hết sức bình thường. Song, cần nhìn nhận ở góc đọ gốc rễ của giá trị văn hoá, tính nhân văn (Ảnh minh hoạ) |
Liên quan đến sự việc trên, lãnh đạo trường này cũng xác nhận về các khoản thu trên là có và được hội phụ huynh các lớp thống nhất mới đây. "Chúng tôi đã họp với giáo viên chủ nhiệm của 4 lớp khối 9 và ban đại diện phụ huynh các lớp. Chúng tôi cũng có quan điểm là chỉ tổ chức lễ tổng kết của nhà trường, để tiết kiệm, tránh lãng phí. Trước phương án đưa ra từ phía chúng tôi, phụ huynh cũng đồng tình", lãnh đạo nhà trường thông tin.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây xuất hiện thực trạng nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tổ chức lễ tri ân các thầy cô giáo một cách phô trương, hình thức. Tại nhiều trường, hội trưởng phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm lớp đề nghị đóng tiền để tổ chức lễ tri ân giáo viên.
Không chỉ phải "góp" cho các hoạt động chung của trường, nhiều lớp còn tổ chức riêng... gây tốn kém, với chi phí hàng triệu đồng mỗi em.
Bên cạnh những phụ huynh đồng thuận, có những phụ huynh gia đình còn nhiều khó khăn dù không muốn nhưng cũng phải chấp nhận tham gia vì sợ ảnh hưởng đến con.
Nhìn lại thế hệ 7X, 8X của chúng tôi, cả chục năm đi học, "lễ tri ân" duy nhất là ngày tổng kết năm học. Tại lễ tổng kết, thầy cô, học trò tự đánh giá lại những kết quả đã đạt được sau một năm học, hay một chặng đường đã đi qua cũng như tự nhìn nhận, chiêm nghiệm và tự rút ra những bài học cho bản thân.
Chính khoảnh khắc thầy cô, học trò sắp xa nhau cũng đủ vô vàn những cảm xúc bồi hồi lắng đọng. Sự tri ân của học trò được thể hiện đơn giản qua những trang lưu bút, những bài hát thân thương về thầy cô, về tuổi học trò, hay chỉ những tấm hình bên nhau làm kỷ niệm và những món quà tri ân thầy cô cũng đơn giản, là bó hoa tươi thắm hay phích nước, lọ hoa, bộ ấm pha trà. Không cầu kỳ, ồn ào, mà lắng đọng, chân thành...
Có thể nhận thấy, hoạt động với tên gọi “lễ tri ân” mới diễn ra vài năm gần đây nhưng ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, sự kiện này quá mang tính hình thức và đang ngày càng bị "biến tướng", vô hình chung tạo thêm gánh nặng kinh tế cho các gia đình và xã hội.
Nhìn vào thực tế, hiện nay, phụ huynh đang phải "gánh" quá nhiều khoản chi phí phát sinh trong năm học cho các con ngoài ý muốn. Từ đầu năm đã phải nộp nhiều khoản tiền như học phí, quỹ lớp, tiền xã hội hóa, tiền đồng phục, học thêm... đến cuối năm lại phát sinh thêm một số khoản thu như lễ tri ân, thậm chí là quà cáp cho thầy cô... đang khiến nhiều gia đình có kinh tế eo hẹp "rối như tơ vò".
"Tôn sư trọng đạo" vốn dĩ là truyền thống tốt đẹp của người Việt, việc tri ân thầy cô cũng là chuyện hết sức bình thường. Song, cần nhìn nhận ở góc độ gốc rễ của giá trị văn hoá, tính nhân văn. Do đó, thiết nghĩ, các phụ huynh không nên "chạy theo đám đông", hay chơi trội... vì điều này sẽ tạo tiền lệ và hình thành nên sự hoa mỹ không cần thiết.
Và hãy để sự tri ân được diễn ra một cách tự nhiên, đơn giản như lời mong mỏi của một học sinh lớp 12 bộc bạch: “Chúng em đã trải qua một năm học với bao áp lực bài vở. Phía trước em còn kỳ thi tốt nghiệp THPT vô cùng quan trọng. Chúng em chỉ mong lễ tri được diễn ra đơn giản, ấm áp, có sự xuất hiện của bố mẹ. Chúng em sẽ được nói những lời cảm ơn chân thành tới gia đình, thầy cô và nhận được sự động viên của mọi người để vững vàng vượt qua kỳ thi”.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng không nên đồng thuận tổ chức các hoạt động như trên gây phiền hà, tốn kém cho con em học sinh. Đây cũng chính là cách phụ huynh và thầy cô giáo dục cho các em ý thức về sự tiết kiệm, như tinh thần Bác Hồ răn dạy về 4 đức tính quý của con người: Cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với mỗi giáo viên đã làm nghề, vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm... và quan trọng hơn, thầy cô cần giáo dục cho học sinh về lòng biết ơn, tình cảm và trách nhiệm đối với gia đình, nhà trường, xã hội. Và sự tri ân lớn nhất thầy cô cần hun đúc cho các em chính là sự nỗ lực phấn đấu, vươn lên, trở thành công dân tốt, đóng góp cho quê hương đất nước.
Qua câu chuyện này, ở một góc độ nào đó, chúng ta cũng cần thấu cảm và chia sẻ cho những vất cả của những người thầy, người cô và hơn hết họ cũng cần được ca ngợi, tri ân sâu sắc. Song có nhiều cách tri ân. Và sự tri ân lớn lao hơn nữa cần nhìn nhận ở vấn đề cơ chế chính sách thù lao xứng đáng cho nghề giáo. Bởi khi một nghề cao quý trong tất cả những nghề cao quý còn phải vướng bận về "cơm áo gạo tiền" thì liệu có thể đặt "quốc sách lên hàng đầu"?
Một nền giáo dục lành mạnh chỉ có thể có trong một môi trường văn hoá - xã hội lành mạnh. Con thuyền giáo dục không thể không tròng trành trong vòng xoáy của kinh tế thị trường. Để giữ con thuyền giáo dục thăng bằng, rất cần sự song hành, đồng tâm, thấu cảm của toàn xã hội để ngành giáo dục, các thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục giữ được cái "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến".
Thực tế, giáo dục không thể làm tròn sứ mệnh của mình nếu không có sự hợp tác của gia đình và xã hội. Và để ngành giáo dục Việt Nam không còn tròng trành như cách miêu tả của nhà thơ Tản Đà: “Đường xa gánh nặng xế chiều, Cơn dông biển lớn mái chèo thuyền nan", cần sự nỗ lực của không chỉ ngành giáo dục mà còn sự chung sức, đồng lòng của chính mỗi gia đình và toàn xã hội.