Đưa đờn ca tài tử vào du lịch: Nỗi lo "tầm thường hóa" di sản Khai mạc hội thi 'Đờn ca tài tử - Di sản đất phương Nam' |
Google cho biết, Doodle ngày 5/12 tôn vinh đờn ca tài tử, thể loại âm nhạc thể hiện và tôn vinh văn hóa Việt Nam.
Thông qua hoạt động này, Google muốn vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử nhân Kỷ niệm 10 năm ngày UNESCO ghi danh loại hình nghệ thuật này vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (5/12/2013 - 5/12/2023).
Google vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử |
Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa thứ 8 của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đờn ca tài tử có vùng ảnh hưởng rộng lớn, lên đến 21 tỉnh, thành của miền Nam.
Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình nghệ thuật vừa mang tính bác học vừa có chất dân gian gắn liền với mọi sinh hoạt của cư dân Nam Bộ, được cải biên từ nhạc cung đình Huế và sáng tác mới trên nền tảng âm nhạc dân ca, hát đối, hò vè của vùng đất Nam Bộ.
Ở các tỉnh, thành Nam Bộ, lâu nay phong trào đờn ca tài tử vẫn phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những loại hình thu hút khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài. Theo thống kê, ở 21 tỉnh, thành Nam Bộ hiện đang có hơn 2.000 câu lạc bộ đờn ca tài tử sinh hoạt thường xuyên và thu hút gần 23.000 thành viên tham gia.
Hầu khắp các tỉnh, thành Nam Bộ, nơi nào cũng có các câu lạc bộ, đội nhóm sinh hoạt thường xuyên, riêng tại TP. Hồ Chí Minh, các câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử có mặt khắp tất cả các quận, huyện.
Những con số này là minh chứng sinh động cho sức lan tỏa trong cộng đồng và sự thu hút của nghệ thuật đờn ca tài tử đối với người dân. Hơn thế, không chỉ người dân Nam bộ mà có không ít người miền Trung, miền Bắc, người dân tộc thiểu số cũng tìm hiểu và trình diễn đờn ca tài tử. Đây là một nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật này, chưa kể một loại hình nghệ thuật nảy sinh từ đờn ca tài tử là sân khấu cải lương, mà người Việt hầu như ai cũng biết.