Longform
23/03/2023 18:01
Gỗ Việt tìm cách chinh phục thị trường nội

23/03/2023 18:01

Thị trường gỗ nội thất Việt Nam có quy mô 5-6 tỷ USD và để chinh phục các doanh nghiệp đang đưa ra nhiều chiến lược khác nhau.
Gỗ Việt tìm cách chinh phục thị trường nội

Sau nhiều năm theo đuổi xuất khẩu, hiện rất nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ, nội thất của Việt Nam đang phải quay lại sân nhà để tìm chỗ đứng bởi việc xuất khẩu không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Khi con đường xuất khẩu không thuận lợi…

Từ xuất phát điểm là những doanh nghiệp gỗ nhỏ hoạt động tại các làng nghề, sau nhiều năm phát triển hiện nay ngành chế biến gỗ, nội thất của Việt Nam đã có những tập đoàn sản xuất chế biến gỗ lớn với doanh thu xuất khẩu hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Đây là những nhân tố khiến ngành gỗ luôn tăng trưởng ấn tượng trong hơn hai thập kỷ qua.

Cụ thể, theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), trong 2 thập kỷ trở lại đây, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đã có những bước phát triển đột phá. Nếu như năm 2000, giá trị kim ngạch xuất khẩu chỉ mới đạt 219 triệu USD, thì đến năm 2019, con số xuất khẩu nhóm hàng lâm sản đã đạt hơn 11,3 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ đã đạt kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD, duy trì mức tăng trưởng hai con số trong nhiều năm.

Gỗ Việt tìm cách chinh phục thị trường nội

Đặc biệt, trong 2 năm đại dịch bùng phát nặng nề, ngành gỗ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó năm 2021 đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 14,8 tỷ USD, tăng tới 19,7% so với năm 2020 và năm 2022 đạt 15,85 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2021.

Tuy vậy từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 việc xuất khẩu gỗ không mấy thuận lợi khi nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng ở các thị trường truyền thống. Trong bối đó việc khai nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp quay về sân nhà bởi thị trường nội địa được đánh giá là mảnh đất tiềm năng.

Gỗ Việt tìm cách chinh phục thị trường nội

Thị trường nội địa - miếng bánh tỷ đô

Trong nhiều nghiên cứu và khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam có chỉ ra, thị trường đồ gỗ nội thất nội địa có quy mô 5-6 tỷ USD.

Cơ sở để Hiệp hội này khẳng định thị trường nội địa tiềm năng xuất phát từ việc Việt Nam có gần 100 triệu dân nên nhu cầu tiêu thụ gỗ rất lớn. Bình quân mỗi hộ gia đình sẽ cần mua sắm đồ gỗ khoảng 6 triệu đồng/hộ. Đó là chưa kể, mỗi năm chúng ta có tới 70 - 80 triệu m2 nhà mới được xây dựng và tiêu thụ một lượng lớn gỗ như: Cốp pha, gỗ giàn giáo, hay là gỗ gắn với công trình như tủ bếp, ván sàn, cửa… Ngoài ra, nhu cầu đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng... cũng có xu hướng tăng nhanh và ổn định trong dài hạn.

Đây được đánh giá là thị trường không nhỏ với giá trị hàng tỉ đô la Mỹ để các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng nhằm gia tăng doanh thu, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu vốn đang bị sụt giảm mạnh do lạm phát tăng cao ở các thị trường xuất khẩu chính như hiện nay.

Gỗ Việt tìm cách chinh phục thị trường nội

Không dễ khai thác

Dù các doanh nghiệp đã chú trọng hơn tới thị trường nội địa, song sản phẩm trong nước chưa cạnh tranh với hàng nhập khẩu ở mảng bán lẻ, nhất là ở phân phúc bình dân mà chỉ đi vào phân khúc trung - cao cấp, hoặc vào một số công ty, công trình, dự án, trường học… Ở phân khúc phổ thông chỉ có các làng nghề, các doanh nghiệp nhỏ mới tham gia sản xuất hàng nội thất với quy mô nhỏ, còn các doanh nghiệp gỗ có quy mô lớn thường chỉ chú trọng xuất khẩu.

Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ một cửa hàng đồ nội thất trên đường Tô Ngọc Vân, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) - cho hay: Các sản phẩm tại cửa hàng là những sản phẩm tầm trung do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, song rất khó cạnh tranh với các cửa hàng khác về mức giá.

Lý giải cụ thể, ông Hà cho biết, tại TP. Hồ Chí Minh nhiều cửa hàng nội thất chủ yếu bán hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia với mức chỉ bằng phân nửa hoặc 1/3 so với sản phẩm có mẫu mã tương tự được sản xuất trong nước. Không chỉ bán với gái rẻ, các sản phẩm này còn rất phong phú về mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu… nên thu hút được lượng lớn người tiêu dùng phổ thông, bình dân.

Gỗ Việt tìm cách chinh phục thị trường nội

Chia sẻ về vấn đề khai thác thị trường nội địa hiện nay, ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO) cho biết, con đường chinh phục gỗ nội địa không dễ dàng.

Ông Trần Quốc Mạnh phân tích: Việc khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu rất khác nhau. Cụ thể với xuất khẩu, doanh nghiệp gỗ nội thất chỉ cần có vài hợp đồng xuất khẩu là đủ để sản xuất nửa năm hoặc cả năm trời, và quan trọng làm theo đơn hàng xuất khẩu doanh nghiệp sẽ không phải lo đầu ra hay thiết kế. Trong khi nếu sản xuất hàng bán trong nước lại hoàn toàn khác bợi trường nội không theo một quy chuẩn thiết kế, số lượng bán lại chưa nhiều. Đó là chưa kể mạng lưới phân phối của doanh nghiệp gỗ trong nước không có, nên cạnh tranh bán lẻ là rất khó… Thêm vào đó, hiện hầu hết các linh phụ kiện sản xuất đồ gỗ nội thất đều được nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến doanh nghiệp Việt mất lợi thế ngay trên sân nhà.

“Chúng tôi đang xuất khẩu đi Châu Âu và ở các quốc gia này họ có quy chuẩn rõ ràng kích cỡ khung cửa, còn ở Việt Nam không có quy chuẩn này mà phải linh hoạt theo từng đối tượng khách hàng. Theo đó mỗi khách hàng sẽ có những yêu cầu khác nhau về số lượng, đơn vị đo và nguyên liệu, mẫu mã sản phẩm gỗ cũng khác nhau… Trong khi đó dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu vốn hoạt động theo số nhiều nên không dễ điều chỉnh”- ông Trần Quốc Mạnh nói.

Là doanh nghiệp vừa làm xuất khẩu lại vừa khai thác nội địa, ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc Công ty Viet Products - cho rằng, so với hàng Trung Quốc, các doanh nghiệp nội, ngoại thất trong nước khó có thể cạnh tranh về giá cả và mẫu mã.

Gỗ Việt tìm cách chinh phục thị trường nội

Theo ông Sang, các doanh nghiệp Trung Quốc có lợi thế hơn hẳn so với doanh nghiệp việt nam. Nguyên nhân là do ngành gỗ tại Trung Quốc đã phát triển lâu năm, có đầy đủ công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, họ sản xuất với số lượng lớn cung cấp cho thị trường tỉ dân trong nước và không chỉ xuất khẩu vào thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu đi nhiều thị trường xung quanh nên giá thành khá thấp.

Không chỉ ở phân khúc trung cấp và bình dân, các mặt hàng cao cấp cũng rất khó cạnh tranh. Ông Nguyễn Đình Khoa - Giám đốc Công ty nội thất, kiến trúc TKA Việt Nam nhận định, về xuất khẩu gỗ và đồ nội thất của Việt Nam luôn có chỗ đứng ở các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ hay Australia. Tuy nhiên, thị trường trong nước đang mất dần thị phần khi người dân ưu tiên lựa chọn các sản phẩm nhập khẩu đến từ những thương hiệu lớn trên bản đồ nội thất thế giới như IKEA, Dongsuh...

"Người tiêu dùng Việt có xu hướng chuộng hàng nhập khẩu thay vì hàng sản xuất trong nước dù chất lượng tương đương nhau. Thậm chí, nhiều sản phẩm nội thất đi theo đường vòng, khi sản xuất trong nước, nhập khẩu qua châu Âu rồi lại quay trở lại, mức giá thành đội lên nhưng khách hàng vẫn chấp nhận" - ông Nguyễn Đình Khoa chia sẻ.

Linh hoạt để chinh phục người tiêu dùng

Khó khăn là vậy song nhiều doanh nghiệp khẳng định rằng thị trường nội địa tiềm năng sẽ là “bệ đỡ” giúp họ phát triển ổn định trong những giai đoạn khó khăn, nên đã có những chiến lược và hướng khai thác khác nhau.

Theo đó, ở phân khúc cao cấp Nhà Xinh (thuộc Công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA) hiện là một thương hiệu được lòng người tiêu dùng. Theo doanh nghiệp này, ngoài phân khúc các dự án lớn như chung cư, cao ốc văn phòng, nhà hàng, khách sạn, resort, Nhà Xinh còn khai thác thị trường nhà đơn lẻ với đội ngũ tư vấn, nhận thiết kế và thi công nội thất trọn gói…

Ông Lê Minh Nghị - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA - chia sẻ, hiện cơ cấu doanh thu tại nội địa của doanh nghiệp đang chiếm tới 70% trong tổng doanh thu hàng năm.

Để làm được như vậy, ngoài yếu tố thiết kế, chất lượng, bán hàng và dịch vụ, Nhà Xinh còn đầu tư bài bản cho khâu phân phối ở nội địa. Theo đó, doanh nghiệp đang sở hữu các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở những trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hưng Yên…

Gỗ Việt tìm cách chinh phục thị trường nội

Một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần chế biến gỗ Đức Thành. Những năm trước Đức Thành chưa chú trọng nội địa nhưng gần đây đã quan tâm hơn. Theo bà Lê Hải Liễu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, trong giai đoạn xuất khẩu gặp khó khăn thì thị trường nội địa cũng hỗ trợ doanh nghiệp bù đắp doanh thu. Nếu như những năm trước, tỷ trọng xuất khẩu của Gỗ Đức Thành thường chiếm khoảng 85-86%, thậm chí có lúc 88% so với tổng doanh thu tại công ty, thì bây giờ doanh nghiệp đặt ra mục tiêu là năm tới, tỷ trọng nội địa sẽ tăng lên 20%.

Tương tự Công ty Cổ phần Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex cũng đang phát triển theo nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng ở thị trường nội địa. Hiện, các sản phẩm của Savimex tập trung vào nội thất khách sạn, bàn kệ học sinh, đồ nội thất gia dụng, tủ bếp… Thị trường nội địa tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ… với doanh thu chiếm 10% trong tổng doanh thu chung của công ty.

Gỗ Việt tìm cách chinh phục thị trường nội

Ở phân khúc tầm trung, nhiều cơ sở, doanh nghiệp cũng đang linh hoạt sản xuất nhằm “tái chiếm” thị trường. Đơn cử tại “thủ phủ” sản xuất gỗ nội thất Đồng Nai, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã khai thác chủ yếu phân khúc gỗ nội thất văn phòng, cơ quan và nhà dân. Theo diện cơ sở sản xuất mộc Hố Nai (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), cơ sở này đang tập trung vào 2 mảng chính là nội thất văn phòng, cơ quan và nội thất nhà dân.

Gỗ Việt tìm cách chinh phục thị trường nội

Được biết, để trụ vững ở nội địa, cơ sở sản xuất mộc Hố Nai ngoài việc phải giữ chất lượng và uy tín hàng đầu còn sẵn sàng hợp tác với chủ đầu tư, nhận thi công, thiết kế không gian nội thất theo yêu cầu.

Cũng tại Đồng Nai, Công ty TNHH TMDV Gỗ Bảo Hân đã liên tục đưa ra thị trường những mẫu mã mới, đẹp, tiện lợi phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, công ty sử dụng showroom làm nơi chia sẻ những kiến thức và xu thế trong ngành gỗ nội thất Việt Nam.

Phải xúc tiến thương mại ngay tại nội địa

Có thể thấy, hành trình chinh phục thị trường nội địa của doanh nghiệp ngành gỗ đã cho thấy những quả ngọt khi doanh nghiệp nhắm đúng phân khúc, đúng thị hiểu của khách hàng.

Tuy vậy, thị trường nội địa vốn cạnh tranh bởi Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu rộng vào sân chơi toàn cầu nên ngoài gỗ nội thất từ Trung Quốc còn có nhiều thương hiệu gỗ từ các quốc gia khác từ Châu Âu thâm nhập Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nội tiếp cận thị trường tốt hơn, ông Trần Quốc Mạnh cho rằng, về cơ bản thị trường gỗ nội địa vẫn đang phát triển theo hướng tự phát, manh mún, chưa có chuẩn. Do đó phải có đầu tư, nghiên cứu tổ chức lại chuỗi cung ứng ở nội địa theo hướng chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, phải có chương trình xúc tiến thương mại riêng tại nội địa cho doanh nghiệp gỗ, thay vì xúc tiến chung với các ngành khác.

Gỗ Việt tìm cách chinh phục thị trường nội

Trên thực tế, ở nội địa mặc dù đã có một số hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp gỗ như: Hội chợ quốc tế Đồ gỗ & Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA EXPO) đã tổ chức liên tục trong 13 năm; Hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam (VIFA HOME), Hội chợ Đồ gỗ và trang trí nội thất TP Hà Nội; hay gần đây là Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ & nội thất HawaExpo do 5 hiệp hội của ngành gỗ phối hợp tổ chức. Song tất cả các hội chợ, triển lãm này đều tập trung ở hai thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội, đồng thời đều nhắm tới khách hàng quốc tế - tức là cho xuất khẩu. Còn ở các địa phương mặc dù cũng tổ chức rất nhiều hội chợ nhưng chỉ lồng ghép gian hàng gỗ chứ chưa có một hội chợ dành riêng chỉ để khai thác thị trường nội địa.

Gỗ Việt tìm cách chinh phục thị trường nội

“Việc tạo một sân chơi riêng cho doanh nghiệp gỗ tiếp cận thị trường nội địa thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm chuyên ngành cũng như các chương trình kết nối khác là cần thiết, để từ đó doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hành trình chinh phục thị trường nội”- ông Trần Quốc Mạnh nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo ông Trần Quốc Mạnh, Nhà nước cũng cần có những trường đào tạo về thiết kế, đào tạo nhân sự cho ngành gỗ, từ đó giúp nghiên cứu và phát triển sản phẩm ở thị trường nội địa.

Gỗ Việt tìm cách chinh phục thị trường nội

Cùng với đó, theo ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Công ty Mifaco, cần phải có sự liên kết giữa nhiều bên để có thể tham gia vào chuỗi kinh doanh sản phẩm phù hợp với mình. Sự liên kết các bên này cũng đem đến nhiều cơ hội cho đầu ra sản phẩm và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư dây chuyền, nhà xưởng ưu tiên sản xuất cho thị trường nội địa với những đơn hàng nhỏ lẻ.

Thực hiện: Hà Duyên - Ngọc Thùy

Doanh nghiệp tăng khai thác thị trường nội địa Doanh nghiệp dệt may ưu tiên chinh phục thị trường nội địa

Mai Ca - Hà Duyên

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025, tiếp tục đưa thị trường nội địa trở thành

Năm 2025, tiếp tục đưa thị trường nội địa trở thành 'tuyến phòng ngự' vững chắc

Năm 2025, Bộ Công Thương xác định sẽ tiếp tục nỗ lực để thị trường nội địa giữ đà tăng trưởng, trở thành "tuyến phòng ngự" vững chắc cho kinh tế vĩ mô.
VinFast đạt kỷ lục bàn giao hơn 16.000 ô tô điện trong tháng 11/2024

VinFast đạt kỷ lục bàn giao hơn 16.000 ô tô điện trong tháng 11/2024

VinFast công bố đã bàn giao hơn 16.000 ô tô điện các loại trong tháng 11/2024, nâng tổng số bán ra từ đầu năm đến nay lên hơn 67.000 xe tại thị trường nội địa.
Doanh nghiệp sẵn sàng nguồn cung hàng hoá phục vụ cuối năm và Tết Ất Tỵ

Doanh nghiệp sẵn sàng nguồn cung hàng hoá phục vụ cuối năm và Tết Ất Tỵ

Thời điểm này, các doanh nghiệp đang rục rịch chuẩn bị nguồn hàng cho cuối năm và Tết Ất Tỵ. Việc này được kỳ vọng sẽ giúp tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng trưởng.