Gỡ “thẻ vàng” IUU, Việt Nam nỗ lực không để tuột mất cơ hội lần này "Thẻ vàng" IUU: Giải quyết các thiếu sót để đón Đoàn thanh tra EC |
Theo kế hoạch, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam làm việc về gỡ “thẻ vàng” IUU từ ngày 10-18/10/2023. Do đó, những ngày này các địa phương đang nỗ lực cao để triển khai các khuyến nghị EC đã đưa ra trong kỳ thanh tra trước đó.
Xử phạt phải đủ sức răn đe
Sau lần thanh tra gần nhất vào tháng 10/2022, phái đoàn EC khuyến nghị Việt Nam thực hiện 4 nhóm vấn đề gồm: Khung pháp lý; quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra kiểm soát tàu cá; truy xuất nguồn gốc và thực thi pháp luật.
Về khung pháp lý, EC cho rằng Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU. Tuy nhiên, để tiếp tục siết chặt công tác quản lý, bảo đảm thực hiện các quy định chống khai thác IUU hiệu lực, EC cho rằng cần có quy định đối với tàu nhập khẩu bảo đảm nguồn gốc không vi phạm IUU; cần quy định xử phạt đối với hành vi tàu cá đi ra ngoài ranh giới vùng biển.
Đặc biệt, phái đoàn EC nêu rõ chế tài xử lý của Việt Nam phải đủ nhanh, đủ sức răn đe và hiệu quả, đặc biệt mức phạt phải cao hơn nhiều lần so với lợi ích thu được từ hành vi vi phạm, cân nhắc xem xét quy định truy tố một số hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần…
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết gỡ “thẻ vàng” IUU là vấn đề quan trọng được cả hệ thống chính trị tham gia. Trong đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thường trực Ban Chỉ đạo đã đi từng địa phương chỉ đạo trực tiếp, đôn đốc thực hiện.
28 tỉnh, thành phố đang hoàn thiện số liệu cụ thể của từng tỉnh về việc lắp đặt hay ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Theo ông Luân, các quy định pháp luật đã được hoàn thiện, phù hợp với pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là ở các địa phương thực hiện như thế nào. Đặc biệt, đối với quản lý tàu cá, lắp thiết bị giám sát hành trình từng địa phương đã có hướng dẫn cụ thể song vẫn còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
“Có địa phương xử phạt rất tốt, làm nghiêm xử lý vi phạm lên tới cả tỷ đồng nhưng cũng còn địa phương làm chưa cương quyết. Điều này có thể ảnh hưởng tới kết quả triển khai chống khai thác IUU và cần các địa phương phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, không dừng ở nhắc nhở, cam kết,” ông Luân nhấn mạnh.
Hoàn thành thực hiện khuyến nghị của EC
Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá các nhóm vấn đề EC đưa ra khuyến nghị trong đợt kiểm tra thứ 3 Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc, được đánh giá cao. Tuy nhiên, vấn đề quản lý và giám sát đội tàu cá còn thách thức lớn. Hiện nay, số lượng tàu chiều dài trên 15m có khoảng 30.000 chiếc. Tàu vi phạm dù giảm rất nhiều nhưng vẫn còn nên các địa phương đã đẩy mạnh việc xử phạt.
"Việc xử lý vi phạm hành chính có nhiều tỉnh thực hiện với quyết tâm cao 100%, chẳng hạn như Kiên Giang. Một số vụ án đã được khởi tố cũng thể hiện quyết tâm cao của chúng ta trong việc gỡ 'thẻ vàng' IUU,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Các địa phương đang ráo riết "chạy nước rút" để tổng hợp kết quả thực kiện các khuyến nghị của EC. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Tại Tiền Giang, trong 9 tháng năm 2023, tỉnh đã xử phạt 22 cá nhân với số tiền gần 160 triệu đồng liên quan đến các hành vi vi phạm về khai thác IUU như: Thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định; ghi không đầy đủ nhật ký khai thác, thu mua chuyển tải thủy sản, tháo thiết bị giám sát hành trình... Nhờ quyết liệt trong xử phạt hành chính, năm 2022 và 8 tháng năm 2023 địa phương này không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.
Chỉ còn một tuần nữa đoàn thanh tra của EC sẽ đến làm việc tại Việt Nam. Các địa phương đang ráo riết "chạy nước rút" để tổng hợp kết quả thực kiện các khuyến nghị của EC trong chuyến thanh tra trước đó để cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ "thẻ vàng" IUU.
Đến nay, 28 tỉnh, thành phố đang hoàn thiện số liệu cụ thể của từng tỉnh về việc lắp đặt hay ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS); từ đó có những biện pháp mạnh tay để xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đang thực hiện nghiêm túc; nghiêm cấm các hành vi hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu…
Trong đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và doanh nghiệp có liên quan đã nỗ lực xử lý dứt điểm theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3 về công tác xác nhận đối với loài cá kiếm tại cảng cá cơ khí tàu thuyền trên địa bàn. Tỉnh Khánh Hòa cũng xử lý dứt điểm 2 tàu cá nhập khẩu theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3 trước khi Đoàn thanh tra của EC sang thanh tra lần thứ 4.
Trước khi EC đến thực tế tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 6-7/10 tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh và đi kiểm tra triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU trên địa bàn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Chúng ta đang nghiêm túc xử lý các khuyến nghị của EC để khi thanh tra họ thấy rằng Việt Nam đã thực sự cầu thị và có những hành động quyết liệt”./.