Ngày 19/5, tại Nghệ An, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực (Ban Chỉ đạo) đã có buổi làm việc với lãnh đạo các sở ngành, địa phương tỉnh Nghệ An nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc về mặt bằng các dự án đường dây truyền tải 220kV nhập khẩu điện từ Lào đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Tham gia buổi họp về phía đoàn công tác của VP Ban Chỉ đạo có ông Hoàng Trọng Hiếu – Phó Chánh văn phòng, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), các ban QLDA thuộc EVN/EVNNPT, đại diện các nhà thầu.
Về phía tỉnh Nghệ An có ông Trần Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Công Thương, đại diện các Sở ngành của tỉnh Nghệ An, lãnh đạo các huyện Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hoàng Trọng Hiếu – Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo, trưởng đoàn công tác đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cả hai dự án truyền tải điện nhập khẩu từ Lào, phục vụ cấp điện không chỉ cho hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh mới mà còn có ý nghĩa chính trị đặc biệt về mối quan hệ hợp tác kinh tế, công nghiệp, năng lượng giữa Việt Nam và nước bạn Lào.
Chính vì vậy, Ban chỉ đạo và thường trực Ban chỉ đạo rất quan tâm đến tiến độ các dự án, đồng thời thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư và các nhà thầu thi công nhằm đưa các dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Trên cơ sở báo cáo của EVN/EVNNPT, đồng thời hiện chức năng nhiệm vụ được giao, VP Ban chỉ đạo mong muốn UBND tỉnh, các sở, ban ngành, địa phương của Nghệ An tạo điều kiện hỗ trợ, giải quyết các kiến nghị của chủ đầu tư trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, công tác thi công 2 dự án.
Ông Hoàng Trọng Hiếu phát biểu tại cuộc họp |
Đường dây 220kV Nậm Mô – Tương Dương: Phấn đấu đóng điện trong tháng 6/2022
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đỗ Quang Khải – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Điện 1 (EVNPMB1) cho biết, dự án đường dây 220kV Nậm Mô – Tương Dương do EVN làm chủ đầu tư, EVNPMB1 được giao quản lý.
Được sự hỗ trợ giúp đỡ của UBND tỉnh, các Sở ngành tỉnh Nghệ An, chính quyền các huyện, công tác đền bù giải phóng mặt bằng vị trí cột và hành lang tuyến đã cơ bản hoàn thành. Công tác thi công đúc móng, dựng cột, kéo dây, cung cấp thiết bị cơ bản đáp ứng tiến độ.
Cụ thể, công tác thi công bê tông móng trụ đã hoàn thành 120/145 vị trí (đạt 82,6%), đang thi công 15 vị trí. Lắp đặt hệ thống nối đất hoàn thành 84/145 vị trí (đạt xấp xỉ 60%), đang thi công 12 vị trí. Đã lắp dựng 82/145 cột thép (đạt 56,6%), đang thi công 16 cột thép.
Theo kế hoạch đề ra, EVNPMB1 sẽ phấn đấu hoàn thành công tác đúc móng trong tháng 5/2022; Hoàn thành dựng cột trước ngày 10/6/2022; Hoàn thành công tác kéo rải dây dẫn, dây chống sét trước ngày 15/6/2022; Hoàn thành công tác thí nghiệm, nghiệm thu công trình trước ngày 22/6/2022. Và đóng điện, đưa công trình vào sử dụng ngày 30/6/2022.
Đại diện Ban quản lý điện 1 - EVN báo cáo vướng mắc của dự án 220kV Nậm Mô - Tương Dương |
Tuy nhiên hiện dự án vẫn còn gặp vướng mắc ở 6 vị trí cột, do đó, để đạt được mục tiêu nêu trên, EVN/EVNPMB1 kiến nghị Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực có văn bản báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An, Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An, UBND huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho Nhà thầu tiếp cận mặt bằng thi công tác vị trí móng cột điện của gói thầu số 2Xl-DZ500NM.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo các Sở, ngành và địa phương khẳng định sẽ ủng hộ, tạo điều kiện cho chủ đầu tư về thủ tục cũng như quá trình thi công theo đúng quy định.
Đại diện EVNNPT báo cáo vướng mắc liên quan đến dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống |
Đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống: Sớm đẩy nhanh thủ tục
Báo cáo của EVNNPT cho thấy, dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống do EVNNPT làm chủ đầu tư với quy mô xây dựng mới đường dây 2 mạch dài 129,23km, từ điểm đấu nối G1 tại biên giới Việt Nam – Lào đến TBA 220kV Nông Cống với 298 vị trí móng cột đi qua các huyện Quế Phong, Quỳ Châu thuộc tỉnh Nghệ An và các huyện Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Nghệ An, gồm 174 vị trí móng cột, 48 khoảng néo, đoạn tuyến có chiều dài 75,9 km đi qua địa bàn 2 huyện Quế Phong (103VT) và Quỳ Châu (71VT).
Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành đóng điện vào tháng 12 năm 2022. Tuy nhiên đến nay, toàn bộ dự án mới bàn giao được 45/298 vị trí móng cột, phần hành lang tuyến chưa bàn giao khoảng néo nào. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đang gặp khó khăn, đặc biệt là đoạn tuyến qua khu vực rừng tự nhiên.
Lãnh đạo huyện Quế Phong phát biểu |
Về công tác giải phóng mặt bằng tại huyện Quế Phong và Quỳ Châu, cả hai huyện đã thành lập Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (HĐBTGPMB), đã ban hành thông báo thu hồi đất. Hiện cả 2 huyện đã bàn giao được 38 vị trí móng cột.
Công tác kiểm đếm và tạm ứng tiền đang được triển khai. Ban NPMB cũng đã họp với HĐBTGPMB 2 huyện nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường.
Trong số 174 vị trí móng cột tại địa bàn tỉnh Nghệ An có tới 169 vị trí cột có liên quan đến diện tích đất rừng. Cụ thể, huyện Quế Phong có 37VT qua rừng tự nhiên, 62VT có rừng trồng; Quỳ Châu 14VT qua rừng tự nhiên, 56VT qua rừng trồng). Tổng diện tích phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh là 6,6512 ha (trong đó rừng tự nhiên là 2,3557 ha; rừng trồng là 4,2955 ha).
Để tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư, đối với rừng tự nhiên, UBND tỉnh Nghệ An đã trình Bộ NN&PTNT để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án. Đến thời điểm hiện tại, Bộ NN&PTNT đang xin ý kiến các Bộ liên quan để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến sẽ có quyết định trong tháng 6/2022.
Đối với rừng trồng, hiện tại công tác kiểm kê của 2 huyện Quế Phong và Quỳ Châu có sự khác biệt dẫn đến, khi phê duyệt phương án bồi thường sẽ có sự chênh lệch về giá trị và không có sự đồng nhất trong thực hiện.
Để hoàn thành đóng điện dự án vào tháng 12/2022, công tác thi công móng cột phải hoàn thành trong tháng 8/2022; dựng cột xong trước tháng 11/2022. Muốn vậy, phần mặt bằng cột cần được bàn giao trong tháng 07/2022, phần hành lang cần bàn giao trong tháng 10/2022.
Ông Khương Thế Anh – Phó Ban quản lý xây dựng EVN phát biểu tại buổi họp |
Mặc dù đã được UBND tỉnh, các sở ban ngành, chính quyền địa phương hỗ trợ kịp thời, song chủ đầu tư mong muốn các cấp chính quyền và cơ quan liên quan tại Nghệ An tiếp tục giúp đỡ, tạo điều kiện sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện hữu, để đưa dự án về đích đúng kế hoạch đề ra.
Cụ thể, EVNNPT kiến nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các hạt kiểm lâm địa phương, Ban chỉ huy quân sự biên phòng, đội biên phòng phối hợp tạo điều kiện cho các đơn vị thi công triển khai lập phương án và trình Tỉnh phê duyệt đồng bộ với phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ để có thể thi công ngay trong tháng 6/2022; Đề nghị UBND các huyện: Quế Phong và Quỳ Châu tăng cường thêm công tác huy động hệ thống chính trị vào cuộc, vận động nhân dân để bảo đảm tiến độ GPMB trong tháng 7/2022
Đề nghị UBND các huyện Quế Phong, Quỳ Châu tăng cường lực lượng, hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh các thủ tục về kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, áp giá, lập phương án.... từ đó có cơ sở sớm chi trả tiền và bàn giao mặt bằng thi công. Ngoài ra trong quá trình thực hiện có tiềm ẩn nguy cơ vướng mắc về đơn giá cây trồng, vật kiến trúc... vì vậy kiến nghị Hội đồng BTGPMB các huyện sớm rà soát và đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết vướng mắc.
Đối với rừng trồng, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An sớm ban hành quyết định phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế tại địa bàn 02 huyện Quế Phong và Quỳ Châu.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở ngành, địa phương tỉnh Nghệ An đã giải đáp thông tin thắc mắc của chủ đầu tư, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm giúp chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định.
Phát biểu kết luận, ông Hoàng Trọng Hiếu đã đánh giá cao công tác chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện của UBND tỉnh Nghệ An và các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh đối với chủ đầu tư và các nhà thầu thi công. Tuy nhiên, để đáp ứng tiến độ đề ra, ông Hiếu đề nghị các cấp chính quyền tỉnh tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng cũng như thủ tục liên quan đến rừng tự nhiên.
Ông Hiếu cũng đề nghị chủ đầu tư, các nhà thầu tiếp tục bám sát và thường xuyên báo cáo các vướng mắc với các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương nhằm giải quyết sớm thủ tục liên quan; Tập trung mọi nguồn lực để khi có mặt bằng sẽ triển khai thi công đồng bộ, đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra.
Từ kiểm tra thực tế, lắng nghe các ý kiến từ cuộc họp, Văn phòng sẽ có báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo cũng như đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực để có hướng chỉ đạo tiếp theo.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An |
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, ông Trần Thanh Hải – Phó giám đốc Sở Công Thương Nghệ An khẳng định, UBND tỉnh, các sở ban ngành, các huyện đều nhận thức rõ tầm quan trọng của các dự án điện nói chung, đặc biệt là 2 dự án truyền tải điện220kV nhập khẩu từ Lào về Việt Nam và luôn hỗ trợ tạo điều kiện cho chủ đầu tư, các nhà thầu.
Đối với các kiến nghị của chủ đầu tư, nhà thầu về khó khăn mở đường thi công 6 vị trí qua rừng tự nhiên của dự án đường dây 220 kV Nậm Mô – Tương Dương, Sở Công Thương sẽ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh Nghệ An theo hướng đề xuất của các sở, ngành, địa phương, tao thuận lợi nhất cho chủ đầu tư.
Đối với khó khăn, vướng mắc của dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống như vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng, đề nghị các sở ngành, địa phương liên quan hỗ trợ chủ đầu tư sao cho hiệu quả nhất, đảm bảo tiến độ dự án.
"Sau cuộc họp này, Sở Công Thương sẽ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh Nghệ An để có chỉ đạo, hỗ trợ tốt nhất nhằm đưa 2 dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra" - ông Trần Thanh Hải thông tin.