Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã xuất khẩu đi 180 quốc gia
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Trong 3 năm qua, tốc độ phát triển của nông nghiệp hữu cơ tăng mạnh cả về số địa phương, tỉnh thành, số doanh nghiệp cũng như các đơn vị hợp tác xã. Tính đến nay, diện tích canh tác hữu cơ tại Việt Nam đã tăng từ 53.350 ha năm 2016 lên khoảng 237.693 ha năm 2019, có 46/63 tỉnh thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ.
Nông nghiệp hữu cơ không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu đi 180 quốc gia |
Theo ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ đang phát triển nhanh, nhất là từ sau khi có Nghị định 109/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ. Sản xuất hữu cơ đang ngày càng có được sự quan tâm nhiều hơn từ chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp, nông dân... Tại kỳ đại hội đảng bộ vừa qua, nhiều tỉnh, thành đã đưa vào nghị quyết phương hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ trong nội dung phát triển kinh tế trên địa bàn. Đó là những dấu hiệu rất đáng mừng, bởi đây là bước tiến về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền ở các địa phương về nông nghiệp hữu cơ.
Ngoài tiêu thụ trong nước, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan… Đây cũng là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới.
“Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay rất tốt, các sản phẩm không đủ để cung cấp ra thị trường. Nhiều sản phẩm như sữa, dừa, dầu dừa… đảm bảo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của quốc tế thì đã xuất khẩu ra nhiều nước. Hiện giá trị xuất khẩu của mặt hàng hữu cơ đạt khoảng 335 triệu USD/năm”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào thị trường EU, ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, công ty đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất cà phê hữu cơ. Theo đó, chi phí phân tích mẫu, đánh giá chứng nhận cà phê hữu cơ rất lớn. Trong khi đó, nhiều mẫu phải được phân tích bởi các cơ sở nước ngoài như các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi khuẩn... Thời hạn chứng nhận hữu cơ ngắn (1 năm) và phải đánh giá, cập nhật là chứng nhận liên tục cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các sản phẩm đầu vào cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế. Các sản phẩm phân bón đầu vào, chế phẩm sinh học sử dụng cho cà phê rất đắt. Dẫn ví dụ cụ thể, ông Hiệp nêu rõ, nếu sử dụng các chế phẩm sinh học từ tỏi, ớt… để phòng trừ sâu bệnh thì giá thành rất cao, phải sử dụng xuyên suốt trong năm và hiệu quả chỉ đạt từ 60 - 70%. Do đó, đây là một trong những khó khăn nhức nhối của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Luân - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đơn vị chuyên sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ thông tin, đơn vị này đang gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo chất lượng để đi vào thị trường EU. Nguyên nhân là do, nhiều hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, trong khi đó, nông dân chưa có thói quen ghi chép, nhận thức và trình độ chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn hữu cơ...
Theo ông Hà Phúc Mịch, sự phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian qua đang đặt ra nhiều vấn đề, nhất là công tác quản lý, chứng nhận, kiểm tra, giám sát… Do vậy, cần công khai danh sách các đơn vị được phép hoạt động chứng nhận về nông nghiệp hữu cơ để tránh đi vào vết xe đổ của VietGAP trước đây. Bên cạnh đó mặc dù Việt Nam đã có bộ tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ TCVN11041:2017/2018, nhưng đến nay bảng danh mục vật tư đầu vào cho nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa được ban hành để các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể áp dụng đúng.
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ một cách bền vững, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung đào tạo tập huấn nâng cao kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ quản lý nông nghiệp ở các sở nông nghiệp. Trên cơ sở đó hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp tham gia vào chương trình, đồng thời tham gia vào công tác giám sát các mô hình, thực hiện đảm bảo chất lượng của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng sẽ tập hợp các tổ chức chứng nhận để tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn đồng thời triển khai kế hoạch để các tổ chức chứng nhận này tham gia chứng nhận các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam.