Ngày 24/6/2020, Tổng cục Hải quan có Thông báo số 4250/TB-TCHQ về kết quả phân loại đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo thông báo này, mặt hàng gỗ ghép thanh tên gọi theo cấu tạo, công dụng gồm gỗ cao su dạng tấm, đã bào, chả nhám, được ghép ngang từ các thanh đã ghép nối đầu; tấm chưa sử dụng được ngay, phải qua gia công thêm để làm ván lót sàn, mặt bàn, cầu thang… phải chịu thuế suất xuất khẩu 25%.
Tuy nhiên, nếu sản phẩm gỗ cao su ghép thanh bị áp là hàng “sơ chế” thay vì chế biến như trên, nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ ghép thanh đang gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp chấp nhận nộp thuế theo đúng mã hàng mới thì hầu như không có lãi, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa.
Theo ông Nguyễn Hữu Thông – Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thông (Bình Dương), lâu nay, gỗ cao su dạng ghép tấm/thanh vẫn được áp mã HS 44.18 và đây là mã quốc tế chứ không phải quy định riêng của Việt Nam, việc Tổng cục Hải quan áp mã HS 44.07 cho ván ghép thanh quá đột ngột và không có căn cứ.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có đơn khẩn cấp gửi Bộ Tài chính cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính xem xét và thông báo để hải quan ở các địa phương cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ván ghép thanh với thuế suất bằng 0%. Đồng thời, xem xét và hủy bỏ Văn bản số 4250 đưa mặt hàng gỗ ván ghép thanh trở lại mã HS 44.18 như đã được khẳng định tại Văn bản số 9365/BTC-CST của Bộ Tài chính.
Sau khi Tổng cục Hải quan đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan liên quan nhằm xác định rõ quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm, quy cách sử dụng để quyết định áp dụng mã HS phù hợp với nhóm các mặt hàng gỗ cao su xuất khẩu dạng tấm, cơ quan này đã ban hành Thông báo 5344/TB-TCHQ (thay thế Thông báo số 4250/TB-TCHQ), phân loại mặt hàng thuộc nhóm áp mã HS 44.18 (áp thuế xuất khẩu 0%).
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có 146 doanh nghiệp sản xuất ván ghép thanh, với công suất khoảng 570.000 m3/năm; nguyên liệu sản xuất ván ghép thanh là các loại gỗ rừng trồng trong nước, chủ yếu là gỗ keo, cao su, bạch đàn. Trên thị trường, ván ghép thanh có giá xuất khẩu cao gấp 3 - 4 lần giá gỗ xẻ (gỗ xẻ giá từ 3,4 - 3,6 triệu đồng/m3; ván ghép thanh giá từ 10 - 14 triệu đồng/m3). Trong khi đó, để làm ra 1m3 ván ghép thanh cần sử dụng 1,7 - 1,8 m3 gỗ xẻ.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu gỗ ghép thanh năm 2019 đạt 332,7 triệu USD, chiếm 2,9% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản, tăng 16,7 % so với năm 2018. 6 tháng đầu năm 2020, mặt hàng này xuất khẩu đạt 181,5 triệu USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2019. |