CôngThương - 1. Bản sắc dân tộc là một quá trình hình thành, phát triển và biến đổi cùng với sự biến đổi và tiến bộ của đất nước. Không thể có một bản sắc dân tộc bất biến suốt mấy ngàn năm lịch sử.
Bản sắc dân tộc Việt Nam là những nét chung nhất, đặc điểm chung nhất của dân tộc trên mọi lĩnh vực tư duy, tình cảm và hành động. Bản sắc dân tộc Việt Nam nổi bật lên ở chỗ 54 tộc người đều thống nhất ở tinh thần đoàn kết, gắn bó với nhau cùng xây dựng và bảo vệ lãnh thổ Việt Nam, cùng chung sống và giúp đỡ nhau theo tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng”.
Sự gắn bó yêu thương giữa nhân dân ta trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn để sản xuất và chiến đấu đã tạo nên những nét đặc sắc của bản sắc văn hóa Việt Nam, trước hết là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng thể hiện ở một tinh thần bất khuất, một ý chí kiên cường, một niềm tin sắt đá.
Những điều nói trên là cốt lõi văn hóa của cả dân tộc. Cốt lõi văn hóa ấy biểu hiện ở các cộng đồng khác nhau dưới nhiều hình thức phong phú thông qua đặc điểm của mỗi tộc người về mặt phong tục tập quán và sinh hoạt hàng ngày.
2. Trong 54 tộc người ở Việt Nam thì người Kinh (Việt) và người Hoa sống chủ yếu ở đồng bằng còn lại các tộc người khác chủ yếu sinh sống ở miền núi. Vì đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng miền núi nên cách sản xuất, sinh hoạt hàng ngày có khác với tộc người dưới đồng bằng. Tuy cùng một bản sắc văn hóa Việt, nhưng có riêng bản sắc của họ. Bản sắc riêng ấy thể hiện ở ngôn ngữ, trang phục, nhà ở, ẩm thực... Những bản sắc riêng ấy hòa chung vào bản sắc văn hóa nước ta làm nên một văn hóa Việt Nam đa dạng.
Nói những điều trên đây để thấy được không thể vì tôn trọng bản sắc chung của cả dân tộc Việt Nam mà quên đi bản sắc riêng của từng tộc người. Cũng không thể bảo vệ những nét riêng của từng tộc người mà bỏ qua những nét tốt đẹp chung của cả cộng đồng Việt Nam đã chung đúc lại trong lịch sử lâu đời của nước ta.
Thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cụ thể là lời răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà”, các cấp bộ đảng phải thi hành đúng đắn chính sách dân tộc, thực hiện đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc. Những người làm công tác quản lý văn hóa phải nâng cao hơn nữa tinh thần yêu nước, đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc để cùng nhau giữ gìn một nền văn hóa đa dạng. Nhiệm vụ xây dựng miền núi không chỉ của từng địa phương mà còn là trách nhiệm chung của toàn dân tộc. Cả miền xuôi và miền ngược thông qua phong tục tập quán, những sinh hoạt hàng ngày của mình có trách nhiệm lưu giữ những nét đẹp văn hóa đó thành cốt lõi của dân tộc mình. Mục tiêu này phải trở thành nhiệm vụ thiêng liêng, không chỉ của riêng miền núi mà của cả toàn quốc.
3. Chuyên đề Dân tộc Thiểu số và Miền núi của Báo Công Thương có trách nhiệm góp phần phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng chung. Đó là làm thế nào để thống nhất giữa lợi ích riêng và lợi ích chung của cả đất nước. Phối hợp với ban lãnh đạo các địa phương trong việc vận dụng tốt những chính sách của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, Báo còn góp phần giúp nhân dân các dân tộc thiểu số phát triển về tư tưởng, nâng cao về nhận thức, cùng nhau đẩy mạnh tinh thần đoàn kết, xây dựng cộng đồng dân tộc hòa hợp, yêu thương lẫn nhau, phấn đấu đưa đất nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Có như thế mới xóa dần khoảng cách chênh lệch về kinh tế và đời sống văn hóa giữa đồng bằng và miền núi, giữa dân tộc đa số và dân tộc thiểu số. Một phần không thể thiếu, Công - Thương phải đi liền, phải hướng làm giàu chính đáng cho bà con dân tộc, để từ đó bà con lĩnh hội làm giàu cho chính mình, cho nước nhà và tiến tới hội nhập sâu rộng ra thế giới.
4. Nhân dịp Tết Giáp Ngọ, tôi có câu đối tặng Chuyên đề Dân tộc Thiểu số và Miền núi của Báo Công Thương:
Miền núi hay miền xuôi,
quyết bảo vệ non sông Tổ quốc
Tộc lớn hay tộc nhỏ,
đều thân thương ruột thịt gia đình.