Thời gian qua, hoạt động giao thương nông sản qua biên giới tại Quảng Trị tăng trưởng; cơ cấu hàng hóa có nhiều thay đổi theo hướng đa dạng, phong phú. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu qua 2 cửa khẩu Lao Bảo và La Lay tăng dần qua các năm 2015, 2016, 2017 lần lượt đạt 51,7 triệu USD, 87,4 triệu USD và 103,8 triệu USD, tương ứng với kim ngạch nhập khẩu 190,2 triệu USD, 72,7 triệu USD và 114,7 triệu USD. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính là cao su, cà phê, tinh bột sắn. Ngoài ra, một số sản phẩm chưa được tính vào giá trị xuất khẩu của tỉnh như chuối, thủy sản, hồ tiêu... vì chủ yếu được bán cho các công ty ở các tỉnh khác để xuất khẩu.
Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản là yêu cầu cấp thiết |
Hiện nay, giao thương nông sản tại 2 cửa khẩu Lao Bảo và La Lay gặp một số vướng mắc, khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do quy mô thị trường Lào còn hạn chế nên hoạt động xuất khẩu nông sản của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này còn nhỏ lẻ, kim ngạch thấp. Phần lớn nông sản xuất nhập khẩu dọc biên giới là qua đường tiểu ngạch với các mặt hàng: Gạo tẻ, gạo nếp, ngô, cà phê, sắn, chuối, gia súc. Cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay còn hạn chế, mặt bằng khu cửa khẩu dốc gây khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát, làm ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa.
Mặt khác, hoạt động sản xuất và tiêu thụ mang tính phong trào, thời vụ. Trong các chuỗi giá trị nông sản tồn tại sự tắc nghẽn do thiếu thông tin thị trường, thiếu tính liên kết giữa các tác nhân, khiến nông dân thường phải bán nông sản với giá thấp và mua các vật tư đầu vào với giá cao. Hoạt động xúc tiến thương mại cho khu vực thị trường nước ngoài còn chưa được quan tâm đúng mức.
Để giải quyết bài toán đẩy mạnh xuất khẩu nông sản qua EWEC, các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa và sớm đưa ra những giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại biên giới; đẩy mạnh hợp tác phát triển vùng sản xuất nông sản dọc biên giới Việt - Lào gắn với chế biến và xuất khẩu thông qua hình thành các vùng sản xuất nông sản xuyên biên giới phục vụ xuất khẩu như cà phê, chuối, sắn và giúp liên kết giữa nông dân 2 nước; xúc tiến việc hình thành "vùng kinh tế biên giới tự do", gắn chặt hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến sâu để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản chủ lực; tăng cường tiêu thụ nông sản thông qua nâng cao chất lượng, xây dựng uy tín cho một số mặt hàng nông sản chủ lực của khu vực biên giới, từ đó xây dựng thương hiệu; có chính sách hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến nông sản, đầu tư vào khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo...
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa: Cần tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để thu hút nhà đầu tư, từ đó tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. |