Thứ tư 14/05/2025 10:51
Giáo viên mầm non vùng cao

Gian nan giúp trẻ đến trường

Mỗi ngày vượt 6 - 10 km đường dốc cheo leo để lên lớp, một mình chăm sóc hơn 20 cháu nhỏ trong điều kiện lớp học thiếu thốn đủ bề… là câu chuyện khá phổ biến với nhiều giáo viên mầm non ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Cô giáo chăm lo từng giấc ngủ, bữa ăn cho các em nhỏ vùng cao

Ngồi sau xe cô giáo Và Thị Khua lên với điểm trường Hú Trù Lìn (xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải) vào một ngày nắng đẹp nhưng tôi vẫn có cảm giác căng thẳng vì những con đường đất ngoằn nghèo, nhiều đoạn dốc ngược, lổn nhổn đá. Vừa lái xe, cô Khua vừa cười bảo: “Trời mưa, chúng em ngã là chuyện bình thường, mưa nhiều thì chỉ còn cách đi bộ. Trừ những ngày mưa bão quá to, chứ bình thường ngày nào cũng phải đến để duy trì lớp”. Đến lớp, tranh thủ lúc trẻ ngủ trưa, cô Khua lại đi xin nước về để rửa mặt, rửa tay cho các cháu. Theo cô Khua, sợ nhất là những ngày mùa đông sương mù, nước thì lạnh, điện không có, cô trò chỉ biết quây quần bên nhau cho đỡ rét…

Cũng vì điểm trường khó khăn như vậy, nên thầy Cứ A Giàng đã 2 lần được phân công lên dạy tại Hú Trù Lìn. Nhìn người đàn ông 30 tuổi líu tíu cho lũ trẻ 3, 4 tuổi hết ăn lại ngủ vừa thương vừa cảm phục. “Là đàn ông nên em không khéo dạy các cháu múa hát như các cô, nhưng bù lại điểm trường xa và khó đến mấy, em cũng theo được. Chăm trẻ cũng như chăm con của mình, lâu dần cũng quen…” – thầy Giàng cười hiền chia sẻ. Điểm trường Hú Trù Lìn có 2 lớp học nhưng có tới 68 bé. Hiện điểm trường có cô Khua, thầy Giàng và cô Giàng Thị Mú đứng lớp, nhưng vì trường thiếu giáo viên, nên mỗi khi cô Khua xuống điểm trường chính tăng cường, chỉ còn thầy Giàng và cô Mú – chỉ hình dung thôi cũng đủ thấy công việc vất vả như thế nào.

Nhưng thầy Giàng, cô Khua, cô Mú vẫn còn thuận lợi vì đều là người Mông, nên dễ tiếp cận với trẻ. Với cô Lò Thị Tâm, giáo viên mầm non tại điểm trường Háng Đề Chu, xã Hồ Bốn thì những ngày đầu khó khăn hơn nhiều vì cô Tâm là người dân tộc Thái: “Muốn gần trẻ, nói trẻ nghe, trao đổi được với phụ huynh, em phải học tiếng Mông. Sau 4 năm đi dạy, em đã nói được nhiều tiếng Mông rồi, việc dạy học cũng đỡ vất vả hơn”.

Với các cô giáo mầm non ở Mù Cang Chải thì mỗi ngày đi xấp xỉ chục ki-lô-mét để dạy học là rất bình thường, bởi với hơn 90% dân số là người Mông, sống rải rác ở các bản làng nên đường đến với các điểm trường đa phần là xa và khó. Điều các cô ái ngại nhất là đến nay rất nhiều điểm trường vẫn chưa có điện và nước. Cô giáo Liên, điểm trường Trống Gầu Bua kể: Ngày nào cũng như ngày nào, cô đều đặn đi gần 500 mét để xách 10 xô nước về cho các cháu rửa tay. Thấy tôi ngạc nhiên vì không thấy bếp ăn, nhà vệ sinh, cô Liên ái ngại: “Điện nước còn không có, nói gì đến bếp ăn hả chị. Xây nhà vệ sinh mà không có nước thì cũng không biết sử dụng thế nào?”.

Điện nước không có, đồ chơi, thiết bị dạy học cũng thiếu thốn nên nhiều trẻ buổi học, buổi nghỉ. Để duy trì sĩ số lớp, các cô lại phải tranh thủ buổi sáng sớm tới gặp gỡ phụ huynh để nhắc nhở phụ huynh cho con đến lớp. “Trẻ đi học không mất tiền, lại được hỗ trợ tiền ăn, nên đa số phụ huynh đều muốn cho con đến lớp. Nhưng vì lớp cách xa nhà có khi cả vài ki lô mét nên có nhiều hôm 10 giờ sáng không thấy trẻ đến lớp, cô qua nhà đón thì bố mẹ bảo trẻ đi từ sớm rồi. Tìm dọc đường thì thấy trẻ đang xuống ruộng nghịch đất, cặp lồng cơm mang đi ăn trưa đã ăn hết” – cô Tâm kể.

Với mức lương có ưu đãi vùng miền, mỗi tháng giáo viên mầm non ở Mù Cang Chải hiện còn khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng, vậy nhưng khi hỏi các cô có khi nào thấy nản vì công việc hiện tại không, cô nào cô ấy đều cười bảo: Khó khăn quen rồi. Phụ huynh người Mông rất tình cảm, có việc gì nhờ giúp là giúp ngay. Các em bé người Mông cũng ngoan ngoãn, dễ bảo, có nhiều bé rất thích đến trường để nghe cô kể chuyện…

Trước mắt, con đường tới trường ở nhiều điểm bản của Mù Cang Chải còn rất nhiều gian nan; để trẻ yêu trường, gắn bó với lớp học, các cô giáo mầm non vẫn phải cố gắng ngày ngày. Với các cô, vất vả giờ không còn đáng lo ngại, chỉ mong sao nhà nước đầu tư để có lớp học, bếp ăn kiên cố, điện nước đầy đủ để cô và trò có điều kiện học tập thuận lợi hơn; để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui của cô và trò nơi đây.

Hoàng Mai

Tin cùng chuyên mục

Lan tỏa ‘tiếng thơm’ cho sản phẩm miền núi

Hoà Bình: Thổ cẩm, cam rừng và những phiên chợ 'mở lối' xuống miền xuôi

Nông sản miền núi: Bắt nhịp tiêu dùng xanh, tăng sức mua

Longform | Vụ vải thiều 2025: Đặc sản miền núi bứt phá thị trường toàn cầu

Mở lối trên lưng núi - du lịch 'cõng' nông sản đi xa

Khánh thành trường học cho học sinh miền núi Sơn La

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

Cao Bằng: Du lịch thúc đẩy kinh tế vùng dân tộc

Chợ miền núi Bắc Kạn: 'Khơi thông' dòng chảy hàng hoá

Longform | Để nông sản miền núi không còn ‘lỡ hẹn’ những mùa vàng

Bà con dân tộc thiểu số bắt ‘trend’ chợ mạng

Đắk Lắk khơi dòng tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Diện mạo các vùng nông thôn vùng đồng bào dân tộc chuyển mình mạnh mẽ

Lan toả văn hoá ẩm thực nông thôn bằng công nghệ số

Bình Định: Xã “vùng lõm” cuối cùng có điện lưới quốc gia

Lễ hội Khâu Vai 2025: Kết nối sản phẩm vùng cao

Đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu từ nông sản sạch

Phụ nữ nông thôn chủ động thích nghi với chuyển đổi số

Tiếp sức xây dựng thương hiệu sản phẩm khu vực dân tộc miền núi

Longform | Chè Thịnh An: Thương hiệu được ‘chưng cất’ từ khát vọng vùng cao