Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024.
Giải pháp giảm thuế VAT cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.
Theo nhiều chuyên gia, người dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT mức 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ước tính sau 3 tháng thực hiện (từ 7/2023 – 9/2023), chính sách giảm 2% thuế VAT đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 11.700 tỉ đồng. Qua đó góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Nhiều người tiêu dùng chưa hiểu rõ về chính sách giảm thuế VAT 2% |
Dù những con số từ các đợt giảm thuế VAT cho thấy kết quả khả quan và nhìn nhận chính sách này có tác động tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế, những tác động đến nền kinh tế còn nhiều ý kiến trái chiều khi có ý kiến cho rằng mức giảm 2% chưa thực sự hấp dẫn.
Đặc biệt, với các khoản chi tiêu nhỏ, trị giá vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng, giá trị nhận được sau khi giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng là rất thấp nên không đủ tác động đến nhu cầu của người tiêu dùng. Chỉ khi trị giá đơn hàng lớn, số tiền tiết kiệm được từ giảm thuế mới thấy rõ.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho rằng về mặt lý thuyết, giảm thuế giá trị gia tăng tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Thế nhưng, thực tế phần lớn khách hàng chưa cảm nhận được rõ ràng lợi ích đó. Ví dụ, 1 sản phẩm giá 100.000 đồng cộng thuế giá trị gia tăng 10% nữa là 110.000 đồng, nay giảm còn 108.000 đồng. Mức chênh lệch giá quá ít nên không đủ kích thích khách hàng bỏ tiền ra mua. Việc kéo dài thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng là cần thiết nhưng nếu có thể nâng mức giảm thuế lên 5%, sản phẩm giảm còn 105.000 đồng sẽ kích cầu tốt hơn.
Bên cạnh đó, tại các chợ lẻ, cửa hàng tạp hóa vẫn duy trì hình thức mua bán truyền thống, người mua càng không có cơ sở kiểm chứng xem có được giảm 2% trên từng món hàng mình mua hay không.
Thực tế, việc người tiêu dùng chưa có thói quen kiểm tra hóa đơn và đòi hỏi bên bán cung cấp hóa đơn mỗi khi mua hàng hóa/dịch vụ. Do đó, đứng ở góc độ người tiêu dùng, được giảm 2% thuế giá trị gia tăng không có tác động đáng kể.
Với tình hình hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu chỉ kích cầu tư nhân thì sẽ khó, chỉ còn kích cầu Nhà nước, tức tăng chi tiêu công của Chính phủ, tăng giải ngân vốn đầu tư công. Tăng tổng cầu của nền kinh tế khi kinh tế tư nhân còn yếu thì yếu tố bắt buộc là Chính phủ phải can thiệp, tăng chi tiêu để làm tổng cầu của nền kinh tế tăng lên. Việc giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay không đạt mục tiêu cũng là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế tăng tốc chậm.
“ Chính phủ phải can thiệp, đẩy mạnh vốn đầu tư công thì mới mang lại hiệu quả cho nền kinh tế”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.