Quan tâm đặc biệt đến công tác giảm nghèo
Bằng rất nhiều nỗ lực, tỷ lệ hộ nghèo trên đầu người (tính theo chi tiêu tiền tệ) của Việt Nam đã giảm mạnh: từ 57% năm 1990 xuống còn 13,5% năm 2014. Tuy nhiên, nhận thức được chất lượng cuộc sống con người liên quan đến nhiều khía cạnh khác ngoài thu nhập, năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 – đánh dấu bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam trong công tác giảm nghèo. Việt Nam cũng trở thành nước đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương áp dụng đo lường chuẩn nghèo đa chiều. Đo lường nghèo ở Việt Nam giờ đây được tiếp cận đa chiều, bao gồm cả thu nhập và các chiều phi tiền tệ như: nhà ở, nước sạch, vệ sinh, dịch vụ giáo dục, y tế, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội…
Đến nay, nông nghiệp vẫn là phương thức sinh nhai chính của đại bộ phận đồng bào DTTS |
“Nếu như trước đây, Việt Nam có tới 20 chương trình mục tiêu quốc gia, thì đến năm 2017 chỉ còn 2 chương trình, trong đó Chương trình giảm nghèo bền vững vẫn được tiếp tục thực hiện với nhiều đổi mới và nguồn lực đáng kể. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác giảm nghèo” – bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định.
Cũng bởi nhận được sự quan tâm lớn như vậy, nên thành tích “chỉ còn 7% hộ nghèo trên tổng dân số” – đã giúp Việt Nam đứng thứ 57 trong tổng số 193 nước thành viên của Liên hiệp quốc về chỉ số phát triển bền vững năm 2018 – tăng 9 bậc so với xếp hạng năm 2017. Kết quả này được bà Caitlin Wiesen – Quyền đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam ca ngợi là “thành công ở tầm thế giới”! Trong đó, nguyên nhân quan trọng là do Việt Nam đã đạt được tăng trưởng bao trùm, giúp tạo việc làm cho người dân; giúp người dân tiếp cận tương đối công bằng đối với các dịch vụ xã hội cơ bản, các chương trình mục tiêu và chính sách bảo trợ xã hội…
Nâng cao hiệu quả để “không còn ai bị bỏ lại phía sau”
Mặc dù đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng đến nay, đói nghèo vẫn tồn tại ở nhiều khu vực của Việt Nam, đặc biệt là vùng có đồng bào DTTS sinh sống. Hiện, tỷ lệ nghèo đa chiều ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên vẫn cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước. Trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều của dân tộc Kinh là 6,4% thì tỷ lệ này ở một số nhóm DTTS cao hơn nhiều. Ví dụ như, tỷ lệ nghèo đa chiều của người La Hủ là 83%, người Mảng 79%, người Chứt 75%, người Mông là 76,2%, người Dao là 37,5%, Khmer 23,7%... Tốc độ giảm nghèo cũng rất khác nhau giữa các nhóm DTTS. Trong khi một số dân tộc như Mường, Tày, Thái có tỷ lệ nghèo tương đối thấp và tỷ lệ giảm nghèo nhanh thì một số dân tộc khác như: Mông, Gia Rai, Xơ Đăng lại có tỷ lệ hộ nghèo cao và tốc độ giảm nghèo chậm. Nguyên nhân được lý giải là do, dân tộc Tày, Thái có thu nhập chủ yếu từ tiền lương hoặc hoạt động phi nông nghiêp, trong khi dân tộc Mông, Gia Rai, Xơ Đăng chủ yếu thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi – các lĩnh vực phụ thuộc lớn vào thời tiết, địa hình…
Để công tác giảm nghèo đạt mục tiêu đề ra, để thực sự “không còn ai bị bỏ lại phía sau”, các nhà nghiên cứu cho rằng: Khi nghèo được xác định và tiếp cận theo hướng đa chiều thì việc xây dựng chính sách, chương trình, mục tiêu giảm nghèo cần có những nghiên cứu, đổi mới để đáp ứng cách tiếp cận mới về nghèo nhằm nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy việc làm có năng suất nhằm tăng thu nhập cho mọi người. Đặc biệt, nông nghiệp hiện nay vẫn là phương thức sinh nhai chính của nhiều lao động nông thôn, trong đó có nhóm đồng bào DTTS… nên cần hướng tới quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp để tăng năng suất thông qua việc chuyển đổi sang các sản phẩm có giá trị cao hơn, sản xuất của người nông dân gắn nhiều hơn với chuỗi giá trị. Đồng thời, chuyển dần từ hỗ trợ hộ nghèo sang hỗ trợ các đối tượng dễ dàng xác định, đồng thời cũng dễ bị tổn thương như: trẻ em, người già, người tàn tật, một số nhóm đồng bào DTTS có tỷ lệ nghèo cao, đi kèm với tốc độ giảm nghèo chậm như dân tộc Mông, Gia Rai, Xơ Đăng…