Sẽ có những chương trình, giải pháp riêng để hỗ trợ vùng lõi nghèo |
Nhận diện khác về hộ nghèo
Theo ông Ngô Trường Thi – Vụ trưởng Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội): Nếu như việc xác định hộ nghèo trước kia được dựa trên thu nhập trung bình hàng tháng, thì việc đo lường nghèo đa chiều, đối tượng hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 sẽ được đánh giá dựa trên 5 dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm: y tế - giáo dục - nhà ở - nước sạch vệ sinh và tiếp cận thông tin. Với cách đo lường này, người nghèo chưa hẳn là người có thu nhập thấp, mà bao gồm cả những hộ gia đình không có đủ những điều kiện để đáp ứng mức sống tối thiểu. Bên cạnh đó, cùng với các hộ nghèo, việc hỗ trợ sẽ được mở rộng thêm với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động là người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS… “Thực tế, người vừa thoát nghèo hoàn toàn có thể tái nghèo nếu gặp những biến cố như: thiên tai, lũ lụt, mất mùa. Kết quả điều tra thời gian qua cũng cho thấy, cứ 3 hộ thoát nghèo lại có 1 hộ tái nghèo. Chính vì vậy, để người dân không sợ “thoát nghèo” vì sẽ không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ, việc xây dựng chính sách giảm nghèo cho giai đoạn 2016 - 2020 vẫn dành những chính sách hỗ trợ riêng cho các hộ cận nghèo và mới thoát nghèo” - ông Ngô Trường Thi nhấn mạnh.
Theo kết quả điều tra mới nhất, vùng Tây Bắc vẫn là vùng lõi nghèo, với 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng và Yên Bái. Trong đó, tính theo chuẩn nghèo đa chiều, có nhiều xã số hộ nghèo là 100%, ở cấp huyện là 70 - 80%. Chính vì vậy, với chương trình giảm nghèo 2016 - 2020, bên cạnh việc tích hợp với các chương trình dự án trước đây như: Chương trình 30a, 135…, sẽ có những chương trình, giải pháp riêng để hỗ trợ vùng lõi nghèo.
“Tiêu chí phân bổ nguồn vốn giảm nghèo rất công khai, minh bạch, các địa phương biết mình sẽ được bao nhiêu để chủ động tính toán phân bổ. Tất cả các chương trình đều phải thống nhất về cơ chế và bộ máy chỉ đạo, điều hành” - ông Thi khẳng định.
Việc cho vay có điều kiện sẽ giúp người nghèo thêm quyết tâm phấn đấu vươn lên |
“Không nghĩ thay người dân”
Đây là chia sẻ được ông Ngô Trường Thi rút ra từ những kết quả đã thu được của công tác giảm nghèo. Theo ông Thi, trước đây, các chương trình, chính sách giảm nghèo của chúng ta phần nào mang tính áp đặt, thậm chí Nhà nước cho người dân cả những thứ không thật cần thiết. “Cái này người nghèo không cần đâu, cho thì lấy thôi” - là câu nói vui nhưng cũng phần nào phản ánh thực tế của việc cấp phát, cho không, ảnh hưởng đến tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người nghèo.
Từ thực tế này, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 sẽ chuyển mạnh từ việc cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện để người dân phát triển sản xuất. “Nhà nước chỉ hỗ trợ những gì người dân không làm được. Nhà nước sẽ không làm thay mà chỉ ban hành cơ chế hướng dẫn thực hiện” - ông Thi nói. Song song với việc thực hiện phân bổ vốn trung hạn, việc đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, cơ sở trong triển khai các chương trình, chính sách giảm nghèo cũng sẽ là một điểm mới trong công tác giảm nghèo 2016 - 2020.
Hy vọng rằng, với những điểm mới này, việc giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 sẽ giảm áp lực cho chính sách, hạn chế tâm lý trông chờ, ỷ lại và ngày càng có nhiều hơn những hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và xã hội.