Lượng xe ôtô nhập khẩu 4 tháng đầu năm tăng do chính sách thuế giảm |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 4 tháng qua, một số nhóm hàng phục vụ nông nghiệp có mức gia tăng NK đáng kể. Cụ thể, kim ngạch NK thức ăn gia súc và nguyên liệu đã đạt 1,18 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong nhóm này là đậu tương, ngô, lúa mỳ… Dù đây là các mặt hàng trong nước sản xuất được nhưng sản lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên hàng năm vẫn phải NK từ các thị trường trên thế giới.
Phân bón cũng là mặt hàng phục vụ nông nghiệp có kim ngạch NK tăng trưởng khá mạnh. 4 tháng đầu năm, kim ngạch NK mặt hàng này đã đạt hơn 427 triệu USD, tăng 30,4% về lượng và 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài nguyên phụ liệu trong nước đã sản xuất được, nhóm hàng tiêu dùng cũng có mức gia tăng đáng kể. Cụ thể, với tâm lý thích sử dụng rau quả NK để đổi khẩu vị, cùng các cam kết hội nhập được thực thi khiến mức thuế áp cho mặt hàng này dần giảm, dẫn đến giá giảm, kim ngạch NK rau quả 4 tháng đầu năm đã có mức tăng trưởng khá mạnh, đạt gần 316 triệu USD, tăng 56,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều mặt hàng công nghiệp khác cũng có kim ngạch NK tăng đáng kể sau 4 tháng như sắt thép các loại đạt 3,2 tỷ USD, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước. Ôtô nguyên chiếc đạt 33,4 nghìn chiếc, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước…
Lượng xe ôtô NK trong 4 tháng chủ yếu tăng từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia do chính sách thuế đã và đang giảm như thuế NK, thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này đã tác động trực tiếp, dẫn đến giá bán lẻ của mỗi chiếc xe giảm 6-7% so với trước thời điểm giảm thuế.
Chia sẻ về việc nhiều mặt hàng NK tăng nhanh những tháng đầu năm, trong đó có những mặt hàng tiêu dùng hoặc nguyên phụ liệu trong nước đã sản xuất được, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, hiện Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, hoạt động xuất nhập khẩu giữa các quốc gia sẽ được đẩy mạnh hơn. Trong khi các sản phẩm của Việt Nam tăng XK vào nhiều thị trường thì ngược lại, các sản phẩm này cũng có cơ hội tăng NK vào nước ta.
Để giải quyết tình trạng này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, thời gian tới, việc quan trọng nhất là phát triển sản xuất, nếu sản xuất tốt sẽ giúp hạn chế NK. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa trong nước đã sản xuất được nếu có giá trị và chất lượng tương đương với hàng NK. Nhà nước cũng đã và đang xây dựng nhiều chính sách không trái với các cam kết hội nhập để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như tính cạnh tranh của hàng hóa.
Với việc thuế NK giảm dần theo cam kết tại các FTA, các sản phẩm như thức ăn gia súc, phân bón, rau quả, sắt thép, ôtô… đang có mức tăng trưởng NK lớn. Đây là những sản phẩm trong nước đã sản xuất được nên việc gia tăng NK sẽ gây áp lực cạnh tranh cho các sản phẩm trong nước. |