Công nghiệp văn hóa (CNVH): Nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước |
Chưa khai thác hết tiềm năng phát triển ngành công nghiệp văn hoá
Sáng 26/11, tại TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam), diễn đàn toàn quốc “Đối thoại phát triển địa phương năm 2022” với chủ đề: “Công nghiệp văn hóa, Du lịch và Phát triển địa phương” chính thức được khai mạc.
Diễn đàn do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam và Đại học Indiana (Hoa Kỳ) tổ chức.
Diễn đàn “Đối thoại phát triển địa phương năm 2022” để tổ chức sáng nay 26/11 tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trong nền kinh tế thị trường, công nghiệp văn hóa là lĩnh vực biểu hiện tập trung của mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa; thể hiện là một ngành công nghiệp văn hoá và hệ sinh thái văn hoá, tạo giá trị gia tăng trong hưởng thụ của người dân, sự tích hợp về đời sống vật chất và tinh thần, đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của các tầng lớp nhân dân. “Phát triển lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng giúp chuyển hoá nguồn tài nguyên mềm văn hoá thành những sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lan tỏa sức mạnh mềm, di sản và đặc trưng văn hoá của mỗi địa phương, mỗi vùng kinh tế và quốc gia; làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn, thực sự trở thành một trụ cột năng động trong sự phát triển của nền kinh tế”, ông Thắng cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết phát triển công nghiệp văn hoá có ý nghĩa quan trọng giúp chuyển hoá nguồn tài nguyên mềm văn hoá thành những sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế |
Các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam ra đời muộn hơn so với nhiều ngành công nghiệp khác, nhưng lại là ngành có nhiều dư địa phát triển, có thể phát triển nhanh, nhất là khi nước ta đã bước qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp, gia tăng tầng lớp trung lưu, tạo ra nhu cầu thị trường lớn đối với các sản phẩm văn hóa, giải trí và du lịch. “Tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hoá tại các địa phương trong cả nước là hết sức to lớn, nhất là khi phát triển công nghiệp văn hoá gắn với phát triển du lịch và nhiều ngành dịch vụ kết nối; và càng trở nên to lớn hơn khi sự phát triển này đã và đang được dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông Thắng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hết; dư địa về mặt cơ chế, chính sách, nhất là những cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, còn nhiều bất cập, hạn chế, thậm chí chưa có; sự phát triển vẫn chậm, chưa đều, chưa thật sự bền vững và đồng bộ tại các địa phương. Một số tỉnh có những di sản văn hoá - thiên nhiên quý giá, những di tích lịch sử cách mạng, lại vẫn chỉ là những tỉnh nghèo trong cả nước, khoảng cách phát triển với những tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp đang ngày càng doãng ra.
Cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng các ngành công nghiệp văn hoá
Tại diễn đàn, để phát huy vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch đối với sự phát triển của địa phương, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề xuất một số giải pháp.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề xuất một số giải pháp tại diễn đàn |
Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đề nghị cấp uỷ, chính quyền các địa phương tăng cường nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về tầm quan trọng cũng như tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hoá trong việc khai thác các thế mạnh của địa phương. Các địa phương nếu phát huy được vai trò của các ngành công nghiệp những văn hoá sẽ góp phần đa dạng hoá cơ cấu các ngành nghề trong cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững.
Đối với cộng đồng người dân địa phương, lấy người dân địa phương làm chủ thể chính để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá tại địa phương, họ sẽ thấu hiểu hơn ai hết những thế mạnh mang tính bản sắc của địa phương hơn bất kỳ người nào khác. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chú ý đến việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến văn hoá sáng tạo để có thể biến tiềm năng trở thành động lực trong phát triển của địa phương mình. Cần có cơ chế thu hút nguồn lực từ xã hội tham gia vào quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, tăng cường tính liên kết giữa các ngành, các vùng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc phát triển công nghiệp văn hoá, tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy số hoá các ngành công nghiệp văn hoá địa phương.
Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự diễn đàn |
Bên cạnh đó, để chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa phát huy được vai trò và đi vào thực tiễn địa phương trong mối quan hệ với các ngành công nghiệp văn hóa thì cần phải tăng cường sự phối hợp, cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm sáng tạo giữa các bộ ngành địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện. “Cần phát huy vai trò chủ động của các địa phương trong xây dựng chương trình và kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các chủ trương, chính sách và giải pháp phát triển du lịch phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, đảm bảo phát huy tối ưu tiềm năng, thế mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa của mỗi địa phương để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”, Bộ trưởng Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.
Cần phát huy tối ưu tiềm năng, thế mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa của mỗi địa phương để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước |
Diễn đàn “Đối thoại phát triển địa phương năm 2022” quy tụ đại diện lãnh đạo từ hơn 50 tỉnh, thành phố và các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận vấn đề và giải phát phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch gắn với phát triển địa phương. Đây là kênh đối thoại về các vấn đề phát triển địa phương, cập nhật những thành tựu và khó khăn trong công tác lãnh đạo địa phương và hợp tác liên kết vùng, vì mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội địa phương, tạo động lực cho sự cất cánh phát triển trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045. |