Đây là nhấn mạnh của Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam – PGS. TS Bùi Hoài Sơn tại cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030.
Sự đa dạng của văn hóa 54 dân tộc đang là chất liệu tuyệt vời cho sáng tạo văn hóa và nguồn lực để ngành công nghiệp văn hóa phát triển |
Ngành CNVH của nhiều quốc gia trên thế giới hiện có tốc độ phát triển rất thành công, giữ vai trò và đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, ông nhìn nhận gì về tiềm năng, thực trạng ngành CNVH của Việt Nam?
Trong khoảng 15 năm vừa qua, thế giới đã chứng kiến sự quan tâm đầu tư đến yếu tố sáng tạo, coi đây là nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển của nhân loại trong những năm sắp tới. Các ngành kinh tế sáng tạo, CNVH sáng tạo đã và đang trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế thế giới và điều này có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển văn hoá khi chính văn hoá là tác nhân hình thành và tạo ra giá trị cho sáng tạo. Hơn thế, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc khẳng định bản sắc văn hoá, tạo ra những lợi thế từ những đặc trưng văn hoá, từ đó hình thành nên những sản phẩm không thể so sánh, có giá trị đặc biệt vừa giúp các quốc gia tạo ra lợi thế cạnh tranh, vừa giúp khẳng định chủ quyền quốc gia về văn hoá là vô cùng quan trọng.
Để phát triển một ngành CNVH cần 4 yếu tố, gồm: Tài năng sáng tạo, tiềm năng (vốn) văn hoá, công nghệ và kỹ năng kinh doanh. Xét trên 4 yếu tố đó, Việt Nam có lợi thế ở 2 yếu tố đầu tiên. Con người Việt Nam luôn được thế giới đánh giá là cần cù, sáng tạo. Tài năng của người Việt Nam được khẳng định ở nhiều lĩnh vực, từ thiên tài quân sự để vượt qua nhiều kẻ địch mạnh đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ và cả trong văn hoá nghệ thuật. Theo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020, Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng cao, ghi nhận năm thứ hai liên tiếp xếp thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế. Chúng ta cũng có nhiều nghệ sĩ tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ âm nhạc, điện ảnh, thiết kế thời trang, kiến trúc,... Nhiều tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, thiết kế thời trang, ảnh nghệ thuật,... đã được giải cao ở các sự kiện khu vực và quốc tế. Tất cả chứng minh một tiềm năng to lớn của các tài năng sáng tạo Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, dù chúng ta có những nỗ lực và thành công nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng được với kỳ vọng của những người yêu mến văn hoá nghệ thuật, cũng như khát khao khai thác giá trị văn hoá cho sự phát triển của nền kinh tế. Những tác phẩm văn hoá nghệ thuật của Việt Nam có thể chinh phục khán giả thế giới còn chưa nhiều. Tên tuổi, thương hiệu của các văn nghệ sĩ, nhà sáng tạo Việt Nam chưa thực sự được định hình rõ ràng trong khu vực và trên thế giới. Hay nói tóm lại, các ngành CNVH chưa được khai thác hiệu quả, xứng tầm với lợi thế của bề dày văn hoá dân tộc, tài năng của con người Việt Nam. Chúng ta không thiếu tài năng sáng tạo, không thiếu vốn văn hoá nhưng chúng ta chưa hình thành được một môi trường phù hợp, hỗ trợ cho sự sáng tạo để giúp quảng bá văn hoá dân tộc, cũng như giúp các tài năng sáng tạo của đất nước toả sáng!
Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam – PGS. TS Bùi Hoài Sơn |
Vậy, ông có thể chỉ ra các điểm nghẽn trong khai thác, phát triển ngành CNVH của Việt Nam hiện nay?
Trước hết chính là nhận thức của chúng ta về các ngành CNVH chưa đầy đủ. Chúng ta ít coi các lĩnh vực như điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc... là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế. Trong khi nền kinh tế thị trường đã thấm sâu vào rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, thì văn hoá nghệ thuật vẫn còn khá rụt rè trong việc khẳng định giá trị hàng hoá của mình. Vì vậy, chúng ta cần khẳng định sản phẩm văn hoá nghệ thuật cũng là sản phẩm hàng hoá để chú ý nhiều hơn đến thị trường, phát triển khán giả, bản quyền, kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu...
Mặt khác, đến thời điểm này, sự phát triển các CNVH còn gặp khó khăn vì chưa thực sự có đầu mối đủ mạnh để định hướng sự phát triển này. Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) hiện đang được giao quản lý Nhà nước về công nghiệp văn hoá, chưa đủ tầm với quy mô của lĩnh vực này. Trong 12 ngành, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ quản lý 5 ngành gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hoá. Chúng ta đầu biết, phát triển các ngành công nghiệp văn hoá có sự gắn bó với nhau để làm nên sức mạnh tổng hợp cho không chỉ các ngành này, mà còn cả với nền kinh tế của đất nước. Điện ảnh thì có thể tạo ra sự hấp dẫn cho du lịch văn hoá, tạo điều kiện phát triển thời trang, ẩm thực. Du lịch văn hoá lại giúp phát triển các lĩnh vực khác trong xã hội. Vì thế, việc thiếu đầu mối đủ tầm và phối hợp giữa các ngành với nhau khiến việc phát triển CNVH gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, sự phối hợp công – tư cũng chịu nhiều cản trở, trong đó có cả việc thiếu niềm tin lẫn nhau và sự hỗ trợ chính sách. Những điểm nghẽn về chính sách hỗ trợ phát triển các ngành CNVH như địa vị pháp lý cho các doanh nghiệp sáng tạo, sử dụng đất, thuế, luật về bảo trợ và hiến tặng,... cũng là những rào cản khác khiến các ngành CNVH Việt Nam chưa thể cất cánh được. Giáo dục sáng tạo và kỹ năng kinh doanh là điểm nghẽn tiếp theo. Thực tế, tài năng nghệ thuật mới chỉ là yếu tố cần và phải cần đến kiến thức, hiểu biết về kỹ năng kinh doanh để tạo nên sự thành công của một nghệ sĩ. Việc học hát có thể rất quan trọng nhưng việc xây dựng thương hiệu cho bản thân, ca khúc và giao tiếp tốt với khán giả cũng quan trọng không kém.
Cần phải coi đầu tư vào văn hoá là đầu tư phát triển, tạo nguồn lực cho kinh tế đất nước |
Văn hoá được coi là sức mạnh mềm để phát triển kinh tế, tuy nhiên để tạo đột phá cần có chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay. Ông nhận định gì về vấn đề này?
Kinh nghiệm từ một số quốc gia phát triển khác cho thấy, các ngành CNVH tạo nên sức mạnh mềm để phát triển kinh tế. Từ việc yêu mến các bộ phim, ca khúc Hàn Quốc, khán giả Việt Nam yêu thích mỹ phẩm, thời trang, các sản phẩm hàng hoá và đi du lịch Hàn Quốc. Đây chắc chắn là điều chúng ta nên học hỏi để gia tăng hình ảnh tốt về đất nước, con người Việt Nam thông qua các sản phẩm văn hoá nghệ thuật. Tuy nhiên, để mong muốn này trở thành sự thật, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực CNVH. Trong đó, chính sách đầu tiên có lẽ nên đến từ việc huy động sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp.
Và điều quan trọng để tạo ra các chính sách thu hút đầu tư chính là phải coi đầu tư vào văn hoá là đầu tư phát triển, không phải là lĩnh vực tiêu tiền, thậm chí đem lại nhiều tiền cho đất nước. Chỉ từ nhận thức như vậy, chúng ta mới hình thành các chính sách thu hút đầu tư phù hợp. Tiếp theo, để huy động được sự quan tâm đầu tư của toàn xã hội, chính sách ưu đãi thuế, đất đai cũng cần được xem như một cách để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho đầu tư cho các ngành CNVH. Bài học từ nước Mỹ, chính là nhờ có chính sách ưu đãi thuế mà các ngành công nghiệp giải trí nhận được rất nhiều tài trợ, từ đó tạo ra các bộ phim bom tấn, tên tuổi cho các nghệ sĩ hàng đầu, rồi đến lượt nó, công nghiêp giải trí không chỉ mang lại thu nhập lớn cho nước Mỹ, mà còn phổ biến giá trị Mỹ đi toàn thế giới.
Hiện, làn sóng dịch Covid-19 đang tác động như thế nào đến các hoạt động sáng tạo văn hóa và để ứng phó với các thách thức trước mắt, ngành văn hóa cần có một chiến lược hành động ra sao, theo ông?
Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 đang tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lĩnh vực văn hoá nghệ thuật là lĩnh vực chịu ảnh hưởng đầu tiên và lâu nhất do đây là lĩnh vực thường liên quan đến tập trung đông người, dễ trở thành sự kiện siêu lây nhiễm nên luôn bị dừng đầu tiên và cho phép mở cuối cùng. Vì vậy, đây là giai đoạn hết sức khó khăn của giới văn nghệ sĩ. Tuy vậy, trong khó khăn, ngành CNVH cũng đã có những cố gắng nhất định để duy trì và tìm lối ra riêng. Nhiều hoạt động chuyển lên online, ấp ủ ý tưởng, đi tìm công chúng mới. Tôi đánh giá cao việc một số bảo tàng như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia hay Bảo tàng Phụ nữ đã thích ứng nhanh chóng bằng hệ thống trưng bày ảo, các nhà hát chuyển sang hình thức duy trì bằng cách tổ chức các chương trình phát sóng trực tiếp. Tất cả cho chúng ta thấy nỗ lực không ngừng nghỉ để duy trì hoạt động sáng tạo, từ đó, mở ra cơ hội phục hồi cho các ngành công nghiệp văn hoá sau đại dịch.
Thời gian tới, để tiếp tục đối phó với dịch bệnh và tạo cơ hội cho các ngành CNVH phát triển hơn nữa, tôi nghĩ rằng chúng ta cần nâng cao năng lực về truyền thông online cho các tổ chức văn hoá nghệ thuật, khai thác tốt hơn nữa các công nghệ phù hợp cho hoạt động chuyển đổi dạng thức của các sản phẩm; cần củng cố năng lực về quản trị tổ chức văn hóa nghệ thuật bằng các phần mềm quản trị trực tuyến như Trello, Google Classroom, Microsft Teams, Webex, GoToMeeting, và cho phép truy cập miễn phí, rộng rãi các tài nguyên lưu trữ về văn hóa, nghệ thuật (văn bản, ghi hình, băng đĩa,...) làm tài liệu nghiên cứu và sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật trực tuyến cho các nghệ sĩ. Đồng thời, hỗ trợ các đối tượng này trong việc xác định lại mô hình kinh doanh, cụ thể là các sản phẩm nòng cốt, sản phẩm phụ, sản phẩm vì cộng đồng, sản phẩm tạo nguồn thu trong bối cảnh dịch bệnh còn có thể kéo dài.
Xin cảm ơn ông!