Thứ ba 29/04/2025 18:42

Giải pháp nào để không còn 'chặt chém' khách du lịch?

Để giải quyết tình trạng 'chặt chém' khách du lịch, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng, song hành cùng sự cải thiện ý thức của người dân.

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng xã hội đã liên tục dậy sóng trước hàng loạt câu chuyện về những vụ việc “chặt chém”, “thổi phồng” giá đối với khách du lịch trong thời điểm sau Tết Nguyên đán. Phần lớn những vụ việc không những vấp phải sự phản đối dữ dội của nhiều người, mà cũng đã bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

“Chặt chém” du khách, nhiều chủ quán phải trả giá đắt

Ngay những ngày đầu năm mới, nhiều người dùng mạng xã hội không khỏi sững sờ sau khi biết câu chuyện của một gia đình đã phải trả 1,2 triệu đồng cho 3 bát bún riêu tại một cơ sở ăn uống tại phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) vào đêm mùng 1 Tết (29/1).

3 bát bún riêu giá 1,2 triệu đồng mà khách hàng đã trải nghiệm ở phố Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh chụp màn hình.

Biết được thông tin trên, UBND phường Bách Khoa đã nhanh chóng đình chỉ hoạt động cơ sở kinh doanh bún riêu vào mùng 3 Tết (31/1). Khi làm việc với cơ quan chức năng, chủ quán thừa nhận có sai sót xảy ra do đã “nói đùa” báo giá 1,2 triệu đồng cho 3 bát bún riêu, và đã cam kết liên hệ với chủ bài viết để đền bù lại tiền.

Sự việc trên cũng không phải là hành động "chặt chém" duy nhất xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Ngày 3/2, một tài khoản trên TikTok đã đăng tải thông tin về việc gia đình đến ăn tại quán cơm tên T.M (Phú Yên) thì bị tính hóa đơn hơn 1 triệu đồng, dù chỉ gọi các món đơn giản và không đắt tiền. Theo chia sẻ của chủ tài khoản, quán không có thực đơn và cũng không niêm yết giá các món ăn.

Hai ngày sau đó, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với chủ quán cơm T.M với tổng số tiền 8.250.000 đồng. Theo quyết định xử phạt, chủ quán cơm đã không đăng ký thành lập hộ kinh doanh và không niêm yết giá dịch vụ theo luật quy định.

Tương tự, chiều ngày 4/2, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một hóa đơn tính tiền hơn 20 triệu đồng, kèm nội dung tố cáo quán A.B tại Khánh Hòa tính giá "trên trời" cho khách du lịch nước ngoài. Ngoài bán giá cao, quán ăn này còn "phụ thu Tết" gần 5 triệu đồng.

Hóa đơn liệt kê các món ăn với giá cao bất bình thường, như 2 phần cà tím nướng mỡ hành giá gần 3,8 triệu đồng, 2 đĩa rau muống xào tỏi 1 triệu đồng, 2 phần cơm trắng 500.000 đồng, bia và nước ngọt đều có giá 100.000 đồng/lon. Kết quả là vào sáng 7/2, cơ sở này đã bị yêu cầu tạm dừng kinh doanh.

Giải pháp cho vấn nạn "chặt chém"

Thực tế, vấn nạn "chặt chém" du khách tuy chỉ là hiện tượng đơn lẻ, xuất phát từ một số cá nhân vì ham mê lợi nhuận và bất chấp làm sai, nhưng nếu không khắc phục kịp thời, hành động này về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch “mũi nhọn” của đất nước.

Vấn nạn "chặt chém" khách du lịch sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, nếu không được xử lý triệt để. Ảnh minh họa

Bởi lẽ, dù khách có trải nghiệm du lịch tích cực, nhưng chỉ cần một điểm xấu còn tồn tại thì hình ảnh của đất nước, địa phương đã không còn đẹp trong mắt du khách, thậm chí có thể khiến họ tẩy chay, không có ý định quay lại. Trong bối cảnh đất nước ta đang trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của thế giới, vấn đề này lại càng nghiêm trọng, vì sẽ làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh quê hương và con người Việt Nam.

Để xóa bỏ vấn nạn "chặt chém", cần có chính sách quản lý, bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải đăng ký và công khai rõ ràng và đầy đủ dữ liệu cá nhân, địa chỉ, giá và nguồn gốc hàng hóa… Đồng thời, các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Quản lý thị trường, cần thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện sai phạm, phải cương quyết phạt thật nặng, tước bỏ giấy phép kinh doanh, thậm chí đóng cửa cơ sở và đăng công khai trên các trang web du lịch.

Bên cạnh đó, cần xem xét nguyên nhân khách quan của vấn nạn "chặt chém", chính là thực tế nhiều người dân và hộ kinh doanh đang gặp khó khăn, nên phải làm như vậy để kiếm kế sinh nhai. Do đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải đưa ra những chương trình xã hội, nhằm tạo ra việc làm mới cho cộng đồng cư dân đang gặp khó khăn.

Về phía cộng đồng, chúng ta cũng cần chung tay, mở lòng cảm thông với những hộ kinh doanh gặp khó khăn, tạo điều kiện để họ có cơ hội cải thiện cuộc sống bằng việc làm lương thiện, chính đáng. Mặc khác, chúng ta cũng cần cảnh giác, phải tự tìm hiểu về thị trường và giá tại địa phương, để tránh lan truyền thông tin sai lệch, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh chính đáng của người dân.

Tiêu biểu như sự việc một du khách đã lên bài “cảnh báo” quán ăn tại phường 2, thành phố Vũng Tàu hôm 31/1, vì đã bán 4 con sò điệp Nhật với giá 1,4 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi làm việc với chủ quán và khảo sát các nhà hàng khác trên địa bàn, lãnh đạo phường 2 đã khẳng định, giá bán của nhà hàng là hợp lý, không hề “chặt chém”.

Vấn nạn "chặt chém" không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh, mà còn có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hình ảnh và sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam. Để giải quyết triệt để vấn đề này, trách nhiệm không chỉ thuộc về các cơ quan chức năng mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội.

Chỉ khi đồng lòng, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường kinh doanh du lịch minh bạch, thân thiện và hấp dẫn, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Phú Quý
Bài viết cùng chủ đề: khách du lịch

Tin cùng chuyên mục

Người dùng gặp hoạ vì hàng giả 'núp bóng' thương hiệu ngoại

Trục lợi trên sức khỏe cộng đồng: Xử lý nghiêm, không khoan nhượng!

Cần hiểu đúng về 'chứng nhận FDA', tránh lợi dụng quảng cáo sai

Hai câu chuyện về thuế và góc nhìn đa chiều

Thanh Hoá: Lắng nghe lòng dân từ việc 'số hóa' tên phường, xã sau sáp nhập

Thấy gì khi giới trẻ háo hức trước giờ hợp luyện diễu binh lần 2?

Chuyển quyền để chuẩn hóa quản lý, nhưng không làm gãy mạch xuất khẩu

Ớt, chanh leo, tổ yến và ‘giấc mơ lớn’ ở thị trường tỷ dân

Giữa ngày hội non sông, nghệ sĩ đừng buông lời vô cảm

Sữa giả tung hoành nhờ ‘chợ trời quảng cáo’ mạng xã hội

Muốn làm nghề giữ trẻ, trước tiên cần phải giữ mình

Mai Ly giễu nhại chế tài, Chu Thanh Huyền cảnh cáo ‘sân si’ - pháp luật đang bị ‘bỡn cợt’?

Vụ sữa giả: Đừng gắn sai trách nhiệm của Bộ Công Thương

Chuyển đổi năng lượng: Cần thể chế, vốn và con người

Giáo dục đổi thay từ một quyết sách nhân văn

Loạt sao Việt quảng cáo sai sự thật: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Kẹo Kera, 600 loại sữa giả và 'bùa hộ mệnh' của gian thương

Đạo đức giá bao nhiêu?

Bê bối sữa giả: Hơn 500 tỷ trục lợi từ niềm tin người tiêu dùng

Thực phẩm bẩn tràn lan: Vai trò người tiêu dùng ở đâu?