Sự kiện với sự tham dự của các đại biểu đến từ: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử, đại diện một số doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức quốc tế liên quan.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch VECOM phát biểu tại Hội thảo |
Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ chất thải nhựa. Mặc dù việc thực thi đồng bộ các biện pháp từ quản lý nhà nước thông qua các quy định pháp luật về sản xuất, quản lý sản phẩm và quản lý chất thải nhựa sau sử dụng, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi,… đã mang lại một số kết quả khả quan. Tuy nhiên cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và dân số, lượng chất thải nhựa vẫn có xu thế gia tăng.
Theo “Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022” của Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam", khối lượng chất thải nhựa sinh hoạt năm 2021 ước tính là 2,93 triệu tấn năm, so với năm 2016 là khoảng 2,0 triệu tấn, và năm 2018 là khoảng 2,7 triệu tấn... Túi ni-lông chiếm tỷ trọng từ 45 - 63%, tiếp đến là các loại nhựa dùng một lần dao động từ 12 - 26% trong chất thải nhựa ở các địa phương.
Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, bao gồm lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến và gọi đồ ăn công nghệ trong những năm qua gây thêm những khó khăn trong việc quản lý chất thải bao bì, vật liệu nhựa; gây tác động tiêu cực tới môi trường. Thương mại điện tử sử dụng nhiều bao bì, vật liệu nhựa song tỷ lệ thu gom, tái chế, tái sử dụng nhìn chung còn rất thấp.
Ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng Ban hợp tác VECOM đã cho biết: Từ năm 2019, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã đề ra tầm nhìn phát triển thương mại điện tử bền vững với mục tiêu vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh vừa tác động thấp nhất tới môi trường. Trong đó, mục tiêu giảm thiểu lượng rác thải nhựa phát sinh là một trong những chương trình nhận được nhiều quan tâm thời gian qua.
Hội thảo “Rác thải nhựa từ hhương mại điện tử - Thực trạng và giải pháp” được tổ chức nhằm trao đổi về thực trạng sử dụng bao bì, vật liệu nhựa cho thương mại điện tử.
Toàn cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, các chuyên gia đã công bố một nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam". Theo nghiên cứu này, quy mô thị trường bán lẻ hàng hoá trực tuyến năm 2023 của Việt Nam ước tính khoảng 17,3 tỷ USD với tổng số gói, kiện hàng hoá là 1,84 tỷ.
Đồng thời, quy mô của dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ ước đạt trên 1,4 tỷ USD. Bao bì phổ biến cho các gói, kiện hàng hoá trong bán lẻ trực tuyến là hộp carton, túi giấy hoặc túi nilon. Vật liệu phụ dùng để chèn, lót, bọc bao gồm băng keo nhựa hoặc băng keo giấy, xốp nilon bong bóng khí hoặc giấy hay thùng carton cắt sợi để chèn hàng hoá, mút xốp hoặc giấy cố định sản phẩm, màng bọc nilon, màng bọc hay nhựa sinh học có khả năng tự phân huỷ quấn quanh hàng hoá.
Trên cơ sở tính toán quy mô bán lẻ trực tuyến và các dữ liệu về số đơn hàng, phân bổ khối lượng đơn hàng, giá trị trung bình của đơn hàng theo các kênh mua bán, mức độ sử dụng bao bì, vật liệu nhựa, có thể thấy năm 2023 thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn.
Tại hội thảo, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã giới thiệu định hướng chính sách phát triển thương mại điện tử gắn với bảo vệ môi trường giai đoạn tới năm 2030. Từ thực trạng sử dụng bao bì, vật liệu nhựa trong thương mại điện tử, các chuyên gia và cán bộ quản lý các lĩnh vực liên quan đã thảo luận về các giải pháp cần triển khai kinh tế tuần hoàn trong thương mại điện tử, giảm mức độ sử dụng, tăng tỷ lệ thu gom, tái sử dụng, tái chế bao bì, vật liệu nhựa.
Trong đó, cần nhanh chóng tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, đặc biệt là các nền tảng và thương nhân bán hàng trực tuyến.