Công nghiệp công nghệ số dẫn dắt sự phát triển kinh tế số
Với sự phát triển mạnh mẽ các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghiệp công nghệ thông tin hay công nghiệp ICT được hiểu là công nghiệp công nghệ số.
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ khi ngày càng có nhiều sản phẩm nền tảng số, ứng dụng số được tạo ra |
Công nghiệp công nghệ số đang và sẽ được tích hợp vào tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế khác ngoài việc tự thân nó là một ngành có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh hiện nay, công nghiệp công nghệ số đã khẳng định được vai trò, vị trí là nền tảng, là hạ tầng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển và sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số, xã hội số.
Việt Nam đã có nhiều chủ trương, định hướng lớn về phát triển công nghệ số, chuyển đổi số toàn diện quốc gia. Chẳng hạn, gần đây, tại Quyết định số 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 nêu rõ, công nghiệp công nghệ số là ngành công nghiệp nền tảng, cần có cơ chế chính sách đặc biệt để thúc đẩy phát triển.
Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin dựa trên các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật...; tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội để hình thành công nghiệp công nghệ số.
Ngành công nghiệp công nghệ số phát triển nhanh và bền vững với trọng tâm là chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin Make in Viet Nam, góp phần tạo không gian phát triển mới của đất nước (Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số) và tham gia sâu vào những công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ số thế giới.
Hơn nữa, kinh tế số được coi là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số, là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm.
Trong hai thành tố của kinh tế số, công nghiệp ICT (hay công nghiệp công nghệ số) bao gồm viễn thông, phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, phần cứng, Internet (nội dung số, nền tảng số, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây) chính là nền móng, nền tảng, đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số và muốn kinh tế số phát triển cần phải có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp công nghệ số năng động, xông xáo.
Những bước tiến mạnh mẽ
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, công nghiệp công nghệ số có những bước tiến mạnh mẽ. Năm 2023, doanh thu của lĩnh vực này đạt 142 tỷ USD với tỷ lệ giá trị Việt Nam chiếm 28,7%.
Khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài (tăng gần 4% so với năm 2022). Phát triển công nghiệp công nghệ số, đưa công nghệ Make in Viet Nam vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Còn theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2023, cả nước có 1.720 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký 22,12 tỷ USD đầu tư sang 80 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, riêng đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đến hết năm 2023 đã ghi nhận 207 dự án với tổng vốn đăng ký 2,82 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Nếu tính số quốc gia thì đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực này đã sang 33 quốc gia. Theo số dự án, các dự án quy mô nhỏ vẫn chủ yếu tập trung vào các quốc gia Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, trong khi các dự án viễn thông có quy mô lớn hơn, tập trung vào các nước châu Phi.
Thống kê quý I/2024 cho thấy, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đạt 31 tỷ USD, tăng 17%... là những kết quả cụ thể cho thấy kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển tích cực.
Nhìn lại chặng đường 4 năm vừa qua, từ năm 2019 đến nay, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành rất đáng khích lệ. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32%, tỷ trọng Make in Vietnam làm ra tại Việt Nam của các sản phẩm công nghiệp công nghệ số tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng trưởng 43% và chúng ta hiện có tới trên 1.400 doanh nghiệp loại này, với doanh thu đang tiến dần đến mốc 10 tỷ USD.
Đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra thế giới
Chia sẻ về các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đẩy mạnh đầu tư, mở rộng thị trường, khai thác cơ hội kinh doanh sản phẩm, giải pháp ra nước ngoài, đại diện Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, bắt đầu từ năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ưu tiên, tập trung các giải pháp nhằm cụ thể hóa chủ trương hỗ trợ, đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra chinh phục thế giới.
Ngay từ đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông nhằm quyết liệt triển khai các giải pháp để hiện thực hóa chủ trương trên.
"Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung triển khai các giải pháp sau: Tổ chức làm việc với đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương để thiết lập kênh, đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp tại các thị trường nước ngoài (đặc biệt tập trung vào các nước như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…" - đại diện Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Đồng thời, khảo sát nhu cầu, khả năng của doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường nước ngoài; xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Việt Nam đang làm cho thị trường nước ngoài để xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ, tương hỗ lẫn nhau khi tham gia thị trường nước ngoài.
Cùng với đó, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đã thành công ở thị trường nước ngoài để nghiên cứu, thu thập thị trường nước ngoài về công nghệ thông tin để làm cơ sở cho các doanh nghiệp Việt Nam tham khảo, xây dựng phương án kinh doanh.
Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đoàn ra hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư cho doanh nghiệp: Tham gia các Hội trợ, triển lãm, hội thảo liên quan đến giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghệ thông tin - truyền thông. Tổ chức truyền thông, quảng bá thương hiệu, năng lực của doanh nghiệp VIệt Nam