Giải pháp giảm nhập siêu từ Trung Quốc: Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa
Việt Nam sẽ đẩy mạnh chính sách khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, nhằm thu hẹp cán cân thương mại |
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2015, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 32,3 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014.
Về con số này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Dù nhập siêu từ thị trường Trung Quốc tăng hơn trong năm 2015 nhưng vấn đề này có thể lý giải được bởi Trung Quốc là thị trường quy mô sản xuất lớn. Sản phẩm của Trung Quốc có sức cạnh tranh cao về giá cả, mẫu mã, phù hợp với thị trường Việt Nam. Thêm nữa, với vị trí địa lý gần gũi, hai nước Việt Nam – Trung Quốc có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất, giao thương. Trong đó, thương mại chính là điểm nhấn quan trọng thời gian qua.
Đối với Việt Nam, do nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển mạnh nên nhu cầu nhập khẩu sản phẩm phục vụ sản xuất, từ máy móc công nghiệp đến nguyên phụ liệu rất lớn. Trong khi đó, công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, thời gian qua, nhiều ngành công nghiệp nước ta như: Dệt may, giày dép, năng lượng… vẫn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu và công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc không phải tình trạng cá biệt mà là tình hình chung của nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc… ở mức độ khác nhau” - Thứ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích thêm.
Cũng trong năm 2015, dù đã có nhiều giải pháp mở rộng, đa dạng hóa thị trường, giảm áp lực nhập siêu từ thị trường Trung Quốc được đề ra nhưng kết quả chưa thể đến ngay lập tức. Hàng hóa Trung Quốc vẫn được nhập khẩu nhiều vào Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tái sản xuất, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là nguyên nhân chính khiến tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc gia tăng.
Nhằm giảm dần nhập siêu từ Trung Quốc, thời gian qua, nhiều ngành công nghiệp trong nước đã chủ động nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Đơn cử như ngành công nghiệp điện tử, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa từ mức không đáng kể trước đây lên khoảng 30 – 40% hiện nay. Ngành công nghiệp dệt may, da giày cũng nâng tỷ lệ nội địa hóa lên khoảng 50 – 60%. Đây là xu thế tất yếu để đón đầu ưu đãi về thuế từ các hiệp định thương mại.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều nhóm giải pháp. Thứ nhất, tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa cam kết hội nhập để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống; cơ cấu lại sản xuất cũng như những ngành xuất khẩu theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm để sau khi hội nhập, sản phẩm nước ta có thể gia tăng giá trị xuất khẩu, đủ năng lực đến nhiều thị trường khác chứ không chỉ phụ thuộc vào một số thị trường dễ tính. Thứ hai, hội nhập kinh tế là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, từ đó nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi thị trường toàn cầu, giảm bớt nhập siêu, đảm bảo giá trị gia tăng cho hoạt động xuất khẩu cũng như nền kinh tế. Thứ ba, thời gian tới, Việt Nam đẩy mạnh chính sách khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc để giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn, thu hẹp dần cán cân thương mại.
Tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa cam kết hội nhập để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống; cơ cấu lại sản xuất cũng như những ngành xuất khẩu theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm là yêu cầu cấp thiết. |